#7 Trò chơi vô cực (Infinite game)

Học đại học là điều kiện cần để trở thành bác sĩ Răng-Hàm-Mặt. Ngoài bằng đại học, mình phải tham gia công tác tối thiểu 18 tháng tại cơ sở y tế thì mới được cấp chứng chỉ hành nghề ở Việt Nam.

Rất nhiều thí sinh chọn con đường gian nan này, nhưng chỉ tiêu ở trường đại học lại có hạn, nên từ khi lên cấp 3 là mình tập trung toàn sức cho 3 môn Toán, Hóa, Sinh trong kỳ thi đại học.

Trong trò chơi “thi đại học” này, sẽ có người đạt được mục tiêu bản thân đặt ra ban đầu, cũng có người không làm được. Kết quả 3 năm đèn sách sẽ được quyết định trong 2 ngày thi. Vì cạnh tranh khốc liệt là thế nên mình từng coi các bạn trong lớp học thêm là “đối thủ” chứ không phải “bạn bè”. Nếu đứa ngồi cạnh mình học giỏi hơn, thì mình sẽ mất suất trong ngôi trường mơ ước.

Với tâm lý cạnh tranh đó, mình đã có tâm lý “giấu nghề”. Cái gì hay, cái gì bổ ích trong kỳ thi đại học thì mình không muốn chia sẻ với những bạn cùng thi ngành y. Đơn giản là vì “mày thắng thì tao thua”. Kết quả sẽ được phân định vào ngày 5 tháng 10.

Vấn đề xuất hiện khi mình đã đậu vào ngôi trường mơ ước rồi, nhưng vẫn giữ tư duy cạnh tranh, “giấu nghề” này.

Trò chơi đã hoàn toàn thay đổi mà mình không hề nhận ra. Trò “thi đại học” có ngày kết thúc cụ thể, bạn nào tính toán nhanh hơn thì có lợi thế, hơn nữa với mỗi câu hỏi mình còn được cho 4 phương án trả lời. Không biết làm thì cứ lụi.

Nhưng trò “hành nghề bác sĩ Răng-Hàm-Mặt” là trò chơi vô cực. Nói cách khác là nó kết thúc khi mình nghỉ hưu, đổi nghề, hay không còn đủ sức để chơi nữa. Không có cuộc thi nào so tài ai nhổ răng nhanh hơn, ai tẩy răng trắng hơn,… Cũng không có sẵn 4 phương án để mình lựa chọn, mà mình cần thu thập thông tin về bệnh sử, nghề nghiệp, gia đình, chế độ ăn, lối sống,… để đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất cho từng bệnh nhân.

Đại học sẽ dạy mình cách tư duy đúng đắn và cho mình kiến thức để đưa ra phương án điều trị ấy. Đại học không phải là nơi loại bớt những người không đủ năng lực để làm bác sĩ.

Kỳ thi không phải là kẻ thù, mà là người bạn giúp mình kiểm tra xem kiến thức và cách hiểu, cách tiếp cận vấn đề của bản thân đã đúng so với kiến thức đương thời hay chưa. Nếu thi rớt thì mình được cho xem lại bài thi để hiểu mình tư duy chưa đúng chỗ nào, được hỗ trợ của Thầy Cô, Cố vấn học tập, sau đó kiểm tra cách hiểu của mình đã đúng chưa bằng cách thi lại.


Ví dụ hồi đi thi môn Practice of Oral Pathology (Bệnh học miệng) ở Hirodai, cách tiếp cận vấn đề của mình chưa phù hợp mà mình cũng không nhận ra. Hình thức thi là xem 10 slide ảo của 10 tiêu bản bệnh, yêu cầu chẩn đoán specimen của bệnh gì, vì sao.

Ví dụ mình sẽ được cho tiêu bản trên, yêu cầu chẩn đoán ra Osteosarcoma (Ung thư xương).

Hồi ấy mình giải theo kiểu: ráng nhớ lại cái hình specimen giống với bệnh gì Cô dạy? → xác định bệnh → rồi viết đặc điểm của bệnh đó ra sao cho khớp với hình. Đây là cách làm đi từ ngọn về gốc.

Nhưng nhờ thi rớt và được Cô feedback cho cách giải, mình mới hiểu ra cách tiếp cận vấn đề, cách chẩn đoán bệnh phù hợp hơn là:

  1. Specimen thuộc loại mô gì (mucosa, bone, salivary glands, etc)
  2. Specimen có cái gì khác bình thường (nhiều tế bào viêm thì là mô bị viêm, một loại tế bào tăng trưởng bất thường thì là u, tế bào tăng trưởng xâm lấn mô xung quanh thì là u ác tính, không lấn thì là u lành, hoặc có cấu trúc cyst gồm cyst wall và epithelium, etc.)
  3. cứ thế mình chẩn đoán được đó là specimen của ung thư xương hay nang do răng, nang không do răng, etc.
Điều kỳ diệu của giáo dục. Môn Practice of Oral Pathology đã dạy mình cách tư duy logic, đi từ trái sang phải, thay vì tiếp cận vấn đề theo kiểu đi từ ngọn về gốc.

Tất cả những điều tưởng chừng là hiển nhiên ấy, mình đã không hề nhận ra hồi năm 1, năm 2:

  • “Đối thủ” hồi cấp 3 đã chuyển thành bạn bè, đồng nghiệp tương lai rồi mà mình không để ý. Vì mà mình vẫn giữ tư duy “giấu nghề”. Có tài liệu gì hay thì giữ cho mình mà không muốn chia sẻ cho bạn khác.
  • Mình chơi trò chơi vô cực với tư duy hữu hạn. Đêm nào có hứng thì học tới 2, 3 giờ sáng, rồi hôm sau lên lớp lờ đờ vì thiếu ngủ. Với cách học kiểu này thì mình trụ nổi không quá 1 tháng. Mình cũng không tập thể dục, không giữ gìn sức khỏe vì chưa nhận ra bản thân cần phải giữ sức để chạy đường dài 10, 20 năm sau này.
  • Mình từng học để thi, để đánh trắc nghiệm đúng và đạt điểm cao, giành học bổng chứ không phải học để kiến thức, sau này tự đứng trên đôi chân của mình.

Ngộ ra những điều trên đã thay đổi hoàn toàn cách mình tiếp cận việc học.

Nhờ được làm việc ở phòng nha, mình nhận ra bản thân rất yêu công việc bác sĩ Răng-Hàm-Mặt. Dù mỗi ngày đi làm đứng suốt 8 tiếng liền nhưng mình chưa hề thấy mệt. Thời gian lúc đi làm, đi học cũng trôi qua nhanh như chó chạy ngoài đồng.

Một khi đã yên tâm là mình yêu công việc tương lai, mình toàn tâm toàn ý tập trung cho việc học. Thay vì tập trung vào điểm số, trong mỗi bài giảng mình sẽ nghĩ sâu thêm:

  • học cái này thì áp dụng như thế nào vào thực tế,
  • cần chú ý điểm gì khi thực hành,
  • phương pháp này có khuyết điểm gì, ưu điểm gì để sau này cung cấp thông tin cho bệnh nhân

Để chơi được trò “hành nghề bác sĩ Răng-Hàm-Mặt” lâu nhất có thể, mình cũng tự nhiên có thói quen tập thể dục mỗi ngày, ăn uống đúng giờ, lành mạnh, không còn hứng lên học xuyên đêm, mà học từ từ mỗi ngày, đi ngủ và thức dậy trong khung giờ đều đặn.

Có thể trong ngắn hạn mình sẽ phát triển chậm, nhưng trong dài hạn mọi thứ sẽ tăng theo hiệu ứng cộng dồn. Một cơ thể khỏe mạnh, kiến thức nền vững chắc sẽ cho phép mình chơi game bác sĩ tới mức độ cao nhất mà vẫn tận hưởng nó.

Tất cả những thay đổi tích cực trên, đều được sinh ra khi mình hiểu được tư duy: Hành nghề bác sĩ Răng-Hàm-Mặt là trò chơi vô cực.

Mình hy vọng những suy nghĩ mà mình mất nhiều năm mới nhận ra này sẽ giúp ích gì đó cho bạn. Nếu nó thật sự có ích, thì mong bạn cho mình biết qua phần bình luận bên dưới, hoặc ở địa chỉ quynh@onokuri.blog nhen?.

Cảm ơn bạn rất nhiều vì đã đồng hành cùng mình tới cuối bài.