#2 Những bài học mình tích lũy được khi đi làm ở Nhật

Mình đến Nhật vào tháng 4/2022 và quyết định học khóa coaching N2 6 tháng với Cô Dương Hoa từ tháng 5/2022. Tiền học phí chiếm tới hơn một nửa số tiền mình mang sang khi ấy, mình lại tiếp tục chỉnh nha ở Nhật, nên vì muốn tự lập mình đã đi làm ở 3 nơi: nhà hàng, cửa hàng tiện lợi (combini) và phòng nha. (Mình vẫn ưu tiên việc học hàng đầu, và dùng excel để đảm bảo thời gian làm ở 3 nơi cộng lại luôn dưới giới hạn quy định trong luật pháp Nhật Bản).

Bây giờ mình đã nghỉ hết ở cả 3 nơi, chỉ làm ở 1 phòng nha khác. Thời gian đi làm đã dạy cho mình rất nhiều bài học mà mình ước gì có ai đó nói cho mình sớm hơn. Vì vậy mình hi vọng những chia sẻ sắp tới sẽ cũng giúp ích cho bạn. Nếu được vậy thì mong bạn comment cho mình biết với nhen!

1. Tiền là một hình thức trao đổi giá trị

Hồi còn làm ở combini, mình rất bất ngờ vì giá kem tụi mình bán là 172 yen. Trong khi cùng cây kem đó, ở siêu thị cách đó 15 phút đạp xe là 106 yen. Giá cao hơn là vậy nhưng loại kem ấy vẫn bán rất chạy, mùa đông 10 độ vẫn có người ăn.Nghĩ mãi thì mình cũng nhận ra, nhân viên combini chúng mình đã tăng thêm giá trị cho cây kem ấy bằng nhiều cách

  • khách hàng có thể mua kem 24/7, 365 ngày/năm, trong khi siêu thị chỉ bán từ 8:00 sáng đến 8:00 tối hàng ngày, lễ Tết nghỉ
  • chỉ mất 5 phút đi bộ là mua được kem, thay vì đạp xe 15 phút
  • ở combini, khách có thể thanh toán bằng rất nhiều phương thức như tiền mặt, tiền điện tử, thẻ xe bus, thẻ tàu, etc. Nhưng ở siêu thị chỉ chấp nhận tiền mặt để không mất phí giao dịch cho ngân hàng.
  • đi kèm với cây kem là nhiều dịch vụ khác như sử dụng nhà vệ sinh được dọn dẹp 6 lần/ngày, bàn ghế để ngồi ăn với bạn, …

Nhờ góp phần tạo ra những giá trị ấy mà mình được trả công bằng tiền lương. Vậy là mình hiểu ra rằng tiền thực chất là một hình thức trao đổi giá trị.

Nhờ hiểu được sự thật này, mình nhận ra rằng đi học chính là để có thể tạo ra nhiều giá trị hơn. Với bằng cấp và kiến thức hiện giờ, những giá trị mình tạo ra được với công việc là nhân viên combini sẽ rất ít so với của một bác sĩ RHM. 6 năm ở trường đại học ngoài cho mình bằng cấp hành nghề, sẽ còn cho mình kiến thức về y và nha khoa cùng kỹ năng áp dụng những kiến thức ấy.

Mình cũng hiểu ra tại sao không được lừa đảo hay ăn cắp để kiếm tiền. Ngoài lý do vi phạm pháp luật, thì lừa đảo và ăn cắp là chiếm đoạt tiền mà không trao lại giá trị gì. Vì vậy chúng sẽ không bền vững. Tiếng xấu đồn xa sẽ tổn hại đến uy tín của mình. Mình cầm đồng tiền cướp được thì lòng cũng sẽ không yên.

2. Phải xây dựng sự chuyên nghiệp và uy tín ngay từ thời sinh viên

Hồi tháng 5/2022, mình đã đăng ký khóa coaching N2 6 tháng của Cô Dương Hoa mà không ngại ngần gì. Mặc dù học phí chiếm hơn một nửa số tiền mình mang sang Nhật khi ấy.

Một phần là vì thông tin về lớp đến với mình đúng lúc bản thân nhận thấy nhu cầu cấp thiết phải học tiếng Nhật. Nhưng tại sao mình không chần chừ chọn lớp của Cô giữa muôn vàn khóa tiếng Nhật khác?

Đó là vì từ hồi năm nhất đại học (tháng 10/2020), ngoài học RHM mình còn thích tiếng Nhật nên đã follow những trang về tiếng Nhật trên facebook. Rồi mình được fb giới thiệu trang Yêu tiếng Nhật lại từ đầu của Cô Dương Hoa. Những bài đăng của Cô cho mình biết thêm về cuộc sống ở Nhật, văn hóa, phong cách sống, rồi toàn những điều ấm áp với giọng văn riêng mà những page khác không viết được như vậy. Rồi mình lần tới trang fb cá nhân của Cô, quan sát cách Cô đối xử với mọi người và ngược lại như thế nào. Lâu dần mình cảm nhận được sự nhất quán trong cách làm việc chuyên nghiệp, uy tín và trình độ chuyên môn của Cô. Comment dưới mỗi bài đăng đều nói rất tốt về Cô. Đây là những điều không phải ngày một ngày hai mà xây dựng được.

Vậy nên khi có thông tin về khóa học vào tháng 5/2022, niềm tin được xây dựng trong 2 năm đã giúp mình tự tin đăng ký khóa học này. Đến giờ ngẫm lại mình mới nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng tác phong chuyên nghiệp và uy tín ngay từ khi có thể.

Sự uy tín được thể hiện qua tất cả những việc mình làm. Từ những việc nhỏ nhất như đúng giờ,  quần áo tóc tai chỉn chu khi gặp người khác, trước khi đi học đi làm thì chuẩn bị bài, đến những việc lớn như giữ lời hứa, tự giác học thêm để bổ trợ cho công việc.

Trước khi nhận ra bài học này, mình đã từng phung phí uy tín của bản thân. Ví dụ như hồi năm nhất mình từng cho rằng việc học là trên hết, những thứ như quần áo, tóc tai không quan trọng nên ăn mặc rất xuề xòa. Nhưng sau khi đi làm, mình mới nhận ra vẻ ngoài chỉn chu là một cách thể hiện sự tôn trọng người khác. Một bác sĩ mà quần áo nhăn nhó, tóc tai bù xù, móng tay dài không cắt, giày dơ,… khả năng cao cũng sẽ cho ra chất lượng điều trị thấp. Bởi ngay cả một vẻ ngoài chuyên nghiệp, sự sạch sẽ trong vệ sinh cá nhân người ấy cũng chưa đạt được, thì huống chi là sự cẩn thận khi điều trị cho người bệnh.

3. Kỹ năng quản lý tài chính cá nhân

Từ khi đi làm và hiểu được bản chất của tiền, hiểu được tiền mình làm ra bây giờ đều dùng thời gian hữu hạn mà đổi lấy, mình tự nhiên dứt bỏ được ham muốn tiêu xài cho những thứ không cần thiết. Để đánh giá mức độ cần thiết và theo dõi chi tiêu, mỗi cuối tuần mình sẽ ghi lại và phân loại chi tiêu thành 3 loại bằng ứng dụng Money Manager:

  • must have: những món đồ không có không được, liên quan đến sinh tồn tối thiểu như thức ăn, nước, gas, điện,…
  • nice to have: những món có cũng được, không có cũng chẳng sao như nến thơm, đồ trang trí
  • wasted: những khoảng chi lãng phí, mất tiền mà không mang lại giá trị gì đáng kể. Ví dụ rút tiền ở combini sẽ mất 300 yen (60 nghìn) tiền phí. Trong khi nếu để ý canh giờ và rút ở cây ATM bên kia đường của ngân hàng thì miễn phí.

Ví dụ như khi đi du lịch, ngoài chi tiền cho những trải nghiệm thì mình rất hạn chế mua đồ lưu niệm như móc khóa, thú bông, túi tote, etc. Với mình đó là những món “nice to have” và “wasted”, có cũng được, không có cũng chẳng sao. Hành lý tăng thêm một món thì mình sẽ mất đi một ít tự do. Vậy nên nếu được tiệm cho phép thì mình chỉ chụp hình để sau này ngắm chứ không mua.

Song song với việc bỏ hẳn những món “nice to have”, mình không ngại ngần gì chi tiền cho việc học và những món đồ làm tăng chất lượng cuộc sống (một loại “must have”). Chúng có thể là áo ngực thể thao, bình nước 1.5L, vitamin, quạt, giày chất lượng tốt,…

Để tránh việc chi tiêu phung phí, ngoài thức ăn và chi phí cơ bản (điện, nước, gas, cước điện thoại, bảo hiểm sức khỏe), thì mình đánh giá từng món “must have” trước khi mua:

  • Khi lần đầu nảy ra suy nghĩ muốn mua món đồ A, mình sẽ note tên món đồ A vào điện thoại nhưng không mua ngay mà vẫn chờ
  • Trong cuộc sống hàng ngày, khi gặp những tình huống mà món A mang lại giá trị thì mình thêm một dấu tick ✓ vào bên cạnh tên món A trong note
  • Được 5 dấu tick ✓ thì mình sẽ cân nhắc thêm lần nữa: món đồ này có đem lại giá trị nhiều hơn số tiền mình bỏ ra hay không.
  • Nếu có thì mình mua, không thì khỏi.

Hiện mình đang trong hành trình xây dựng tự do tài chính được hướng dẫn bởi chú Hiếu Nguyễn. Đây là một kênh Youtube đem lại rất nhiều giá trị về kinh nghiệm sống và tự do tài chính.

4. Xây dựng thu nhập thụ động không phải là một lựa chọn, mà là điều bắt buộc

Vào kỳ nghỉ xuân năm nay, mình đã mắc Covid-19 và không đi làm được suốt 1 tuần liền.

Hôm đầu thì mình chưa biết bản thân bị bệnh mà chỉ thấy hơi mệt trong người. Nhiệt độ cơ thể vẫn bình thường nên mình vẫn đi làm ở combini theo lịch đã đăng ký. Đó là ca làm 5 tiếng dài nhất mình từng trải qua. Đầu mình càng lúc càng đau, cơ thì nhức, xoay cổ cũng khó khăn. Tới lúc tan ca là mình sập nguồn. Người mình đau đến nỗi phải vừa đạp xe về nhà vừa khóc cho đỡ đau. Về được tới nơi là mình ngủ mê man tới tận sáng hôm sau.

Suốt 1 tuần phải nghỉ làm sau đó, mình vừa thấy may mắn, vừa thấy sợ. May là vì mình còn có mái nhà trên đầu trong thời tiết 10 độ của Hiro. Còn có bạn bè mua đồ ăn giùm để dưỡng bệnh. Sợ là vì mình nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng những nguồn thu nhập thụ động.

Mình nghỉ việc là thu nhập lập tức không còn. Với bản chất công việc khi ấy, cơ bản là mình đang dùng thời gian tạo ra giá trị, đổi lấy tiền lương. Nhưng thời gian của mình thì có hạn. Sau này dù trở thành bác sĩ mà tay chân không khỏe mạnh cũng không hành nghề được. Vì vậy mình nhận ra rằng: xây dựng những nguồn thu nhập thụ động là một điều bắt buộc phải làm.

Vì chưa có kiến thức về lĩnh vực này, mình nghĩ cách tốt nhất là học từ những người dày dặn kinh nghiệm:

5. Phải chọn công việc có thể giúp bản thân phát triển mỗi ngày

Từ khi đi làm, mình nhận ra có rất nhiều kiến thức và kỹ năng không thể học được ở giảng đường hay thư viện, mà phải bắt tay vào làm thì mới tích lũy được. Chúng có thể là kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, lập kế hoạch, tác phong chuyên nghiệp,…

Sau khi đi làm ở combini, nhà hàng và phòng nha, mình đã đúc kết được một bộ quy tắc khi chọn việc làm:

  1. Đầu tiên và quan trọng nhất là công việc ấy phải giúp bản thân phát triển mỗi ngày. Mình phải chủ động hoặc được tạo điều kiện học những điều mới, tích lũy kinh nghiệm khi làm việc. Đây là điều mình học được từ quyển The Defining Decade của tác giả Meg Jay.
  2. Công việc ấy phải có liên quan hoặc bổ trợ cho nghề nghiệp tương lai: Sau khi tốt nghiệp mình muốn hành nghề bác sĩ Răng-Hàm-Mặt, nên mình cố gắng nộp đơn xin vào làm ở phòng nha. Dù lương ở phòng nha không bằng của các công việc gia sư, nhà hàng,… nhưng mình quan niệm “đi làm thực chất là đi học”. Vì công việc gần với định hướng tương lai, nên giá trị kiến thức mình tích lũy được ở phòng nha sẽ cao hơn ở combini hay nhà hàng.
  3. Phải phù hợp với lối sống và sức khỏe
    • Phù hợp lối sống: Tập thể dục là một hoạt động không thể thiếu mỗi ngày của mình. Nếu để đến cuối ngày, thì mình sẽ rất lười và không còn sức tập thể dục. Vì vậy khoảng thời gian 6:00-8:00 sáng ngay sau khi ngủ dậy, chưa có sức ì là thời điểm tối ưu để tập thể dục đối với mình. Mình sẽ không chọn công việc lấn vào khoảng thời gian này.
    • Giữ gìn sức khỏe: Mình sẽ research thật kỹ xem công việc có những mối nguy hại nào đến sức khỏe, ở nơi làm có người hút thuốc không, có phải hít khí độc không,… Ví dụ ở phòng nha có khả năng bị phơi nhiễm với bệnh nhân viêm gan B, viêm gan C thì có những cách kiểm soát nhiễm khuẩn gì.
  4. Nơi làm việc phải đàng hoàng, không lừa đảo, làm ăn bất chính
  5. Những yếu tố khác

    • Thời gian di chuyển đến chỗ làm mất bao lâu? Nếu đi làm bằng bus thì đến lúc tan làm có còn chuyến bus không? Nếu đi làm thứ bảy, chủ nhật thì có bus vào những ngày này không?
    • Trong kỳ thi mình cần tập trung việc học. Vậy khi ấy có được nghỉ không? Cần hỏi điều này ngay từ khi phỏng vấn để bày tỏ những giới hạn, ưu tiên của mình.
    • Nếu ở Nhật thì cần tuân thủ luật làm thêm. Cần có dấu cho phép làm thêm. Cần nộp thuế nghiêm túc. Kỳ nghỉ dài làm không quá 40 tiếng/mỗi 7 ngày, trong năm học làm không quá 20 tiếng/mỗi 7 ngày. Nghĩa là tính từ ngày nào trong tuần cũng không quá giới hạn này.

6. Kinh nghiệm phỏng vấn làm thêm ở Nhật

Mình đã đi phỏng vấn ở combini, 2 nhà hàng, 1 phòng nha và lần nào cũng được nhận. Có thể là do nhân lực khan hiếm nên mình may mắn. Nhưng mình hi vọng những đúc kết sau có thể giúp ích cho mọi người.

  1. Tìm việc bằng Indeed hoặc TownWork. Kiểm tra kỹ xem công việc có đáp ứng bộ quy tắc của mình không.
  2. Sau khi thu hẹp được một vài nơi tiềm năng thì gửi đơn xin việc, template mình để ở LINK NÀY. Cách điền thì cách trang trên mạng đã hướng dẫn rất kỹ nên mình xin không nêu ở đây. Mình chỉ có lưu ý là cần dùng kính ngữ trong đơn xin việc, và nên print to pdf xem có lỗi gì không. Nếu có chỉnh sửa thì chú ý phần viền ngoài có bị lệch không.
  3. Trước khi phỏng vấn, research tường tận về nơi mình muốn làm. Ví dụ như khi nộp đơn xin việc ở phòng nha, mình xem rất kỹ thông tin của Bác sĩ chủ trì, học vấn, sau khi tốt nghiệp có học lên bậc cao hơn không, có tham gia các khoá đào tạo không, quê quán, lịch sử gia đình, trước khi thành lập phòng nha đã làm ở những đâu, nếu có thì mối quan hệ với đồng nghiệp như thế nào, văn hoá nơi làm việc, có được phụ bác sĩ không hay chỉ được dọn dẹp,… Ngoài ra mình còn liệt kê ra chi tiết những giá trị mình có thể đem đến cho phòng nha.
  4. Vào ngày phỏng vấn và mỗi lúc đi làm, chú ý những điều sau:

    • Ngoại hình
    • Quần áo phải thẳng, sạch sẽ. Mình luôn mặc màu hồng khi đi phỏng vấn để tạo cảm giác thân thiện dễ gần. Trộm vía cả 4 lần đều đậu.
    • Tóc chải gọn gàng, tóc xù như mình thì buộc lại
    • Đánh răng kỹ càng, chú ý không để có mùi hôi miệng
    • Móng tay cắt gọn gàng
    • Giày phải sạch
    • Nếu muốn thì trang điểm nhẹ. Cá nhân mình thì đi phỏng vấn mình chưa trang điểm bao giờ, chỉ chú ý ngủ đủ giấc, vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
    • Đi đứng thẳng cổ, thẳng lưng. Khi ngồi không gù lưng.
    • Đồ đạc mang theo phải sạch sẽ (balo, giấy tờ giữ thẳng thớm, tránh bị cong)
    • Hôm trước phỏng vấn ngủ đủ giấc
    • Đến địa điểm phỏng vấn trước ít nhất 10 phút. Chờ đến 5 phút trước giờ hẹn thì bước vào. Không xuất hiện quá sớm sẽ ảnh hưởng công việc. Tuyệt đối không được đi trễ.
    • Lễ phép với mọi người. Ý tứ trong hành động để thể hiện sự tôn trọng. Ví dụ như ngồi vào bàn phỏng vấn thì để interviewer ngồi vị trí cao hơn, xa cửa ra vào, nhìn được trọn căn phòng. Khi về phải chào cảm ơn mọi người, cúi người 45 độ và giữ lưng thẳng. Trả mọi thứ về vị trí ban đầu.
  5. Sau khi phỏng vấn thì gửi mail hoặc nhắn tin cảm ơn interviewer đã dành thời gian cho mình.

Mình hi vọng những chia sẻ trên có thể giúp ích gì đó cho bạn. Nếu có gì mình giúp được thì comment bên dưới giúp mình nhen ^^.

Mình đang chờ tàu điện về nhà sau ca làm cuối năm ngày 31/12/2022.