self hatred

#3 Ghét bản thân (self-hatred)

Nhờ đi làm mà mình càng hiểu rõ số tiền học bổng và miễn giảm học phí của YDS và Hirodai hào phóng đến nhường nào. Chỉ tính sinh hoạt phí thì hàng tháng mình được hỗ trợ số tiền tương đương tận 70 giờ làm việc.

Mình rất biết ơn vì được tạo điều kiện như thế, nên đã đặt mục tiêu phải đạt S trong tất cả các môn ở Hirodai. Nhưng chính việc đặt mục tiêu cao này lại làm mình khổ sở.

Sau nhiều lần như vậy, mình dần học được 2 cách vượt qua cảm giác ghét bản thân:

  1. Cặm cụi: chỉ cần mình của hôm nay giỏi hơn mình của hôm qua một tí thôi là đủ.
  2. Xây dựng niềm tin với bản thân

1. cặm cụi

Thời gian đầu học môn Thực hành Bệnh lý (Practice of Oral Pathology), bản vẽ của mình liên tiếp được B, C, dù mình đã hỏi Cô sai ở đâu, rồi cố gắng hơn trong lần tới. Cảm giác “phiên bản tốt nhất của mình” cũng chỉ đến thế mà thôi làm mình rất bực. Tối hôm đó mình đang học trong thư viện mà giận bản thân phát khóc. Mình sợ nhất là với tất cả những sự giúp đỡ này, mà mình thật sự không đủ khả năng làm bác sĩ RHM thì phải làm sao đây. Lỡ như Thầy Cô nhận ra họ đã đầu tư cho nhầm người thì phải làm sao đây. Mình buồn đến nỗi phải ra nhà vệ sinh ở tòa nhà khác mà khóc cả 15 phút cho đỡ buồn.

Sau một vài lần như vậy, mình dần biết cách giải quyết mỗi khi hoài nghi vào bản thân: đầu tiên là cứ xả hết nỗi buồn ra. Sau đó nhìn thẳng vào thất bại, xem thật kỹ chỗ nào mình làm chưa tốt rồi cố gắng lần sau làm tốt hơn lần này là được. Đây là bài học về sự cặm cụi mình học được trong trong podcast của chú Hiếu:

Mình đã thử áp dụng sự cặm cụi vào môn này, và nó thực sự hiệu quả. Càng về sau mình càng đạt nhiều điểm A (điểm cao nhất có thể đạt được):

Bảng theo dõi điểm mình ghi lại bằng notion

2. Xây dựng niềm tin với bản thân

Trong môn Thực hành Dược lý (Practice of Pharmacology) ở học kỳ vừa rồi, chúng mình đã thí nghiệm tác dụng của thuốc tê (procaine, lidocaine), thuốc an thần (phenobarbital, pentobarbital), thuốc giảm đau (morphine), naloxone,… trên chuột và lợn guinea, sau đó thu thập dữ liệu rồi viết báo cáo (report). (Xem bài report của mình trông như thế nào Ở ĐÂY)

Thế nhưng đến hạn nộp mà mình chỉ kịp hoàn thành 5/7 bài report, vẫn còn 2 bài chưa kịp làm.

Một phần vì từng bài report mình đặt tiêu chuẩn rất cao. Mình muốn tự ôn lại lý thuyết về thuốc, cấu trúc hệ thần kinh, thụ thể bằng giáo trình, sau đó mới tự lý luận để giải thích kết quả thí nghiệm. Vì tốc độ tự học còn chậm, nên 1 bài report mình cần 1 đến 3 ngày để hoàn thành. Điều này khiến mình ngại đối mặt với một núi kiến thức “chưa được xử lý”, nên cứ trì hoãn mãi không chịu bắt tay vào làm.

Viễn cảnh tồi tệ nhất mình tưởng tượng được khi ấy là rớt môn, GPA tụt và mất học bổng. Thế là vào hôm deadline, có 2 suy nghĩ “xấu xa” đã xẹt qua đầu mình.

Một là mình hỏi xin report của senpai rồi dựa vào đó làm theo. Nhưng vậy thì mình chả học được kiến thức gì vì không tự lực làm. Chất lượng cũng sẽ không như mình muốn.

Hai là mình vẫn viết report với tiêu chuẩn cao, nhưng vậy sẽ không kịp nộp nên mình định nói dối Thầy là do hệ thống bị lỗi nên mới không kịp nộp bài. Nhưng vậy thì mình đang đổ lỗi cho người khác, tự cho rằng bản thân hoàn hảo chẳng có gì cần thay đổi.

Cả hai phương án đều làm tổn hại niềm tin của mình đối với chính bản thân. Dù cho 2 bài report này có đạt điểm cao hoặc Thầy không biết mình nói dối, thì mỗi lần nhớ về môn đó, mình sẽ nhớ về bản thân như một người thỏa hiệp với chất lượng tầm thường, và là một người nói dối.

Đối với mình, đây là điều còn kinh khủng hơn cả rớt môn. Vì những bằng chứng khiến mình mất đi sự tôn trọng và niềm tin vào bản thân sẽ cứ tồn tại mãi. Chúng làm mình ghét bản thân (self-hatred), cảm giác kinh khủng nhất mình từng trải qua. Bởi nếu ghét người khác thì tránh không gặp họ là xong. Còn ghét bản thân mà không hòa giải được thì mình vẫn dính cứng với người mình ghét tới cuối đời.

Vì vậy mình đã chọn phương án thứ ba, vẫn giữ tiêu chuẩn cao và viết report cho đến khi cảm thấy đã đạt chất lượng tốt nhất. Sau đó mình đã viết mail gửi Thầy thú nhận khuyết điểm của bản thân, xin nộp trễ và chịu trách nhiệm với hành động của mình.

Ảnh email mình gửi Thầy khi ấy (đã che thông tin cá nhân).

Môn Thực hành Dược lý sau này mình được điểm S (điểm cao nhất có thể đạt được) và còn được trải nghiệm một cảm giác rất tuyệt vời: Ban đầu mình không lý giải được kết quả thí nghiệm. Nhưng khi hiểu rõ lý thuyết thì “màn sương” này được dỡ bỏ, mọi thứ trở nên hiển nhiên đến khó tin.

Sau này mình tìm được một bài nói chuyện tên “Anatomy of Trust” của tác giả Brené Brown, biên tập bởi James Clear. Mà mô hình này khớp với những gì mình tin là quan trọng khi xây dựng niềm tin với bản thân. Theo tác giả thì niềm tin (trust) được xây dựng bởi BRAVING:

  • Boundaries (giới hạn)
  • Reliability (sự tin cậy): nhiều lần làm những gì mình nói. Biết rõ giới hạn của mình
  • Accountability (chịu trách nhiệm): khi mắc lỗi thì nhận lỗi, xin lỗi, và sửa lỗi
  • Vault (bí mật): những bí mật được người khác chọn tiết lộ với mình, thì mình không đem kể ra ngoài
  • Integrity (sự chính trực):
    – chọn làm điều đúng, thay vì điều dễ, nhanh, hay vui
    – chọn can đảm đối mặt với vấn đề thay vì sự thoải mái an nhàn
  • Non-judgement (không đánh giá): mình có thể gục ngã, buồn bã, lười biếng, trì hoãn, tự xem mình là một người “thất bại”… Nhưng mình cũng sẽ tự đỡ bản thân dậy mà không đánh giá gì.
  • Generosity (rộng lượng): chọn tin rằng đối phương đang nói sự thật, có ý tốt, ngay cả khi thiếu bằng chứng (give someone the benefit of the doubt). (Ví dụ khi bạn A không cho mình kẹo, là vì kẹo dở quá chứ không phải vì A ghét mình).

Mình mong sự cặm cụi và mô hình BRAVING sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Những ngày buồn nhất, bạn hãy xem video này bởi Better Ideas để vực bản thân nhen. Video tả y chóc những việc mình đã làm để cảm thấy ổn hơn á.


Comments

4 responses to “#3 Ghét bản thân (self-hatred)”

  1. Hi em, chị đọc hết các blog của em rồi, chị vừa cảm thấy phần nào bản thân mình trong đó, vừa học hỏi từ em rất nhiều. Cảm ơn em nè hehehe. Nhớ ra thêm nhiều bài mới nữa nghen, hay lắm đó, mạnh mẽ lên cô gái ❤️

    1. Ôi em cảm ơn comment của chị ạ! Được chị khen là bài viết hay giúp em đỡ sợ hơn khi viết blog. Vì em thấy mình còn non quá, có nhiều điều thậm chí em không biết là mình không biết. Nhưng trước mắt em sẽ cố gắng để bài viết tuần này đem lại giá trị cho chị ạ ^^

  2. Hello con, Khánh Quỳnh
    Cô là một người em hồi cùng học tiếng Pháp với mẹ Thảo, cô rất ngưỡng mộ nhiệt huyết và tình cảm của con thông qua những bài viết, đặc biệt là cách mà con giải quyết những khó khăn của bản thân, nó rất truyền cảm hứng, theo một cách rất chân thành.
    Vì yêu mến con mà cô đã chỉ con trai cô theo dõi những bài viết của con, em ấy cũng vừa vào năm nhất Y khoa UMP, cũng yêu tiếng Nhật, hy vọng khi đọc những bài chia sẻ của con giúp ích nhiều cho em ấy
    Chúc con luôn mạnh khỏe và thành công nơi xa người.

    1. Dạ con xin cảm ơn và chúc mừng gia đình mình có tin vui nhen ạ! Hồi ấy con đã tưởng đậu vào YDS là xong, nhưng hành trình thực ra chỉ mới bắt đầu. Nên con cũng xin chúc em luôn dũng cảm vượt qua 6 năm tới ạ ?