Tại sao cần học tiếng Anh?
Vì tiếng Anh là công cụ giúp mình tự học
Một trong những điều mình biết ơn ba mẹ nhất là việc mình được đầu tư cho học tiếng Anh. Hồi ấy nhà mình chẳng dư dả gì, nhưng chi tiền cho việc học của anh em mình thì ba mẹ chẳng bao giờ tiếc. Đến bây giờ nghĩ lại, mình mới nhận ra rằng hầu như tất cả những gì mình có bây giờ ít nhiều đều là nhờ giỏi tiếng Anh:
- mình đậu vào khoa Răng-Hàm-Mặt ở Đại học Y Dược TP.HCM nhờ phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh. Khi đó mình nhờ IELTS 7.5 mới đậu được.
- để nộp đơn ứng tuyển cho chương trình trao đổi ở Đại học Hiroshima, mình đã thi TOELF được 105 điểm dù chỉ có 2 ngày chuẩn bị
- sang đến Hirodai thì ngoài thi viết (2 hình thức: trả lời câu hỏi hoặc MCQ), trong mỗi học kỳ dài 4 tháng chúng mình cần nộp khoảng 40 bài report từ 100 – 5,000 từ. Tất cả đều bằng tiếng Anh.
- và điều quan trọng nhất là biết tiếng Anh giúp mình mở khóa một năng lực siêu phàm là tự học. Biết tiếng Anh giúp mình tự học tiếng Nhật (xem chi tiết Ở ĐÂY), tự học Y và Nha khoa,… Tiếng Anh là ngôn ngữ chính mà kiến thức lưu thông. Nên việc giỏi tiếng Anh cho phép mình tự đi tìm kiến thức, vì nếu cứ ngồi chờ bản dịch tiếng Việt thì kiến thức ấy có khi đã lỗi thời rồi.
Mình nêu những điều trên không phải vì muốn khoe mình giỏi, mà mình hi vọng nó truyền tải được việc giỏi tiếng Anh sẽ mang đến cho bạn những cơ hội gì. Qua đó chỉ ra sự cần thiết phải học tiếng Anh.
Nội dung bài viết sắp tới sẽ chia làm 2 phần:
- nguyên lý học tiếng Anh
- cách mình học tiếng Anh chuyên ngành Y và Nha khoa

Cảnh trên máy bay đi Đà Nẵng làm visa. Mình đến được ngày hôm nay một phần không nhỏ là nhờ giỏi tiếng Anh.
1. Nguyên lý học tiếng Anh
A. Tiếng Anh là một công cụ.
Mình nghĩ tiếng Anh là một công cụ truyền tải thông tin. Giống như kiến thức của thế giới đa phần đang ở dạng súp, thì mình cần học cách dùng muỗng (tiếng Anh) để múc súp (thông tin), thay vì trung thành với đôi đũa (tiếng Việt) vậy. Lúc đầu chắc chắn mình sẽ dùng muỗng chưa quen và thấy khó, nhưng càng dùng nhiều mình sẽ càng giỏi, sử dụng thành thạo và ít tốn sức hơn.
Lấy ví dụ cá nhân mình, từ khi trở thành sinh viên RHM, mình muốn rèn luyện sự khéo léo cho cả 2 tay. Nên mình đã tập cầm đũa bằng tay trái, trong khi mình thuận tay phải. Thời gian đầu lực gắp đồ ăn bằng tay trái của mình rất yếu và vụng về. Nhưng sau 1 năm cố gắng, mình đã có thể sử dụng thành thạo cả 2 tay khi ăn. Vì vậy mình nghĩ tiếng Anh hoàn toàn tương tự, cứ cố gắng dùng và cải thiện từng ngày thì sẽ giỏi.
Vậy để luyện tập dùng muỗng, mình đã làm gì?
B. Mình đọc sách bằng tiếng Anh để giải quyết vấn đề của bản thân.
Khi phát hiện ra vấn đề, mình lên Google tìm sách để giải quyết chúng. Cụ thể là:
- Sau khi hiến máu, mình bị thiếu máu thiếu sắt. Vậy là mình tìm sách nói về dinh dưỡng. Mình đã đọc quyển Food Rules (Michael Pollan), Fast. Feast. Repeat (Gin Stephens) viết về intermitten fasting, よくわかる栄養学 (小林、阿部)
- Năm lớp 10 khi không hiểu mình sống để làm gì, mình tìm đọc cuốn The courage to be dislike (dịch từ quyển 嫌われる勇気 (岸見 一郎、古賀 史健), Man’s search for meaning (Viktor Frankl)
- Khi mình nhận thấy bản thân mắc nhiều thói quen xấu, mình đọc quyển Atomic Habit (James Clear), The Power of Habit (Charles Duhigg)
- Khi gặp khó khăn trong việc học, thời gian học nhiều mà lượng kiến thức mình nhớ được lại không tương đương, mình đọc cuốn Make it stick, Understanding how we learn, I am gifted, so are you! (Adam Khoo), Mindset (Carol S. Dweck).
- Khi xác định theo đuổi lối sống tối giản, mình đọc cuốn Goodbye, Things (Fumio Sasaki)
Đọc sách bằng tiếng Anh như một mũi tên trúng tận 3 đích. Đầu tiên, mong muốn tìm được giải pháp cho vấn đề sẽ là động lực để mình đọc sách. Mình thích tự lập, nên đọc sách giúp mình giải quyết vấn đề mà không cần phiền đến người khác. Hai lợi ích còn lại là mình vừa có kiến thức, vừa rèn được tiếng Anh.
Mình làm các bước sau để lựa được sách hay:
- Search google “tóm tắt vấn đề bằng tiếng Anh” + “book”. Ví dụ như tìm sách về nhịn ăn gián đoạn thì mình nhập “intermitten fasting book”. Hoặc subscribe cách kênh youtube nội dung về sách như Ali Abdaal.
- Xem đánh giá goodreads, amazon các quyển được recommended
- Đọc sơ excerpt các cuốn mình thấy có triển vọng
- Cuốn nào thấy ổn thì mình bỏ vào kindle để đọc full. Nếu đang đọc full giữa chừng thấy dở thì mình bỏ.
- (optional). Vừa đọc vừa note kindle điểm nào làm mình tâm đắc để sau này dễ tìm lại. Kiểu “ôi trời tác giả cách mình nửa vòng trái đất mà viết y chóc vấn đề mình đang gặp phải. Chắc giải pháp tác giả gợi ý sẽ có hiệu quả. Mình sẽ nghĩ cách áp dụng vào bản thân”.
Lưu ý khi đọc sách bằng tiếng Anh:
- đừng ép bản thân phải đọc theo thứ tự, đọc hết từ A đến Z. Đọc mục lục thấy chương nào thú vị đọc trước. Rồi quật ngược lại từ đầu cũng oke. Mình đọc để giải quyết vấn đề. Nên miễn sao sách giải quyết được vấn đề là oke. Đọc trúng sách dở (phí thời gian đọc mà chả thấy giải pháp đâu) thì bỏ chứ đừng ráng đọc cho hết.
- đừng đọc thầm trong đầu mà hãy đọc ra tiếng. Điều này rèn luyện dẫn truyền thần kinh giữa cơ miệng, lưỡi, môi thích nghi với cách phát âm một ngôn ngữ mới. Nếu được thì vừa nghe bản audiobook trên audible vừa nhại theo. Từ nào không biết phát âm, không biết nghĩa thì search từ điển Anh-Anh (mình dùng Oxford Learner’s Dictionary bản web. Đừng mắc sai lầm mua bản giấy như mình, vừa đắt, mang đi rất nặng, tìm lâu, mà sách còn không biết nói)
- Gặp ngữ pháp mới thì tra google hoặc từ điển ngữ pháp tiếng Anh. Gặp từ mới thì tra từ điển Anh-Anh. Nhưng đừng lúc nào cũng quan trọng việc hiểu nghĩa cả câu. Không hiểu thì cứ lướt qua, đọc tiếp. Flow lúc này quan trọng hơn nên đừng để mất flow. Thường đoạn sau sẽ giải thích cho đoạn trước. Nên mình sẽ đoán được nghĩa từ mới đó. Chỉ tra từ điển những từ khoá (đa số là danh từ > động từ >>>> tính từ, trạng từ), từ lặp lại nhiều.
- Riêng cá nhân mình thì gặp từ mới mình không note vào anki. Vì mình đọc nhiều, gặp từ đó liên tục sẽ tự nhớ. Mình lại thi bằng tiếng Anh, nên cũng tự nhiên được tạo cơ hội dùng tiếng Anh. Từ vựng cứ như thế dần dần trở thành “của mình”. Nếu bạn chưa có cơ hội như mình, thì có thể viết nhật ký, viết tóm tắt sách bằng tiếng Anh xem sao nha.
Đọc sách sẽ nâng cao từ vựng và ngữ pháp, qua đó nâng cao khả năng nghe (nhờ quen phát âm), nói (nhờ đọc thành tiếng), đọc, viết (nhờ vốn từ vựng và ngữ pháp dồi dào).
C. Để luyện nghe và nói, mình đã nghe và hát theo nhạc Taylor Swift từ hồi lớp 3.
Hồi đó mình nghe nhạc Taylor chỉ vì giai điệu hay, và chị ấy hát gì mình không hiểu. Do hồi nhỏ mình muốn nghe nhạc, mà trên mạng toàn bài tiếng Việt về tình yêu đôi lứa sến nổi da gà, nên mình chuyển sang nghe tiếng Anh để không phải hiểu nội dung.
Tiêu chí khi chọn ca sĩ để nghe và hát theo:
- Nhạc hay, hợp quãng giọng để mình hát theo được. Chứ như Mariah Carey là mình chịu
- Ca sĩ phải hát rõ từ (enunciation), không nuốt chữ. Ví dụ như Taylor Swift, Ed Sheeran, Alec Benjamin, Eminem. Cách xác định là: nghe nhạc ca sĩ này có thể mình không hiểu nghĩa của ca từ, nhưng mình có thể nhại theo âm thanh và tự phát âm được. Chứ như Ariana Grande, Doja Cat, SZA là mình chịu.
- Muốn hiểu rõ thêm ca từ thì search trên Genius
2. Cách mình học tiếng Anh chuyên ngành Y và Nha khoa
Để học tiếng Anh chuyên ngành thì mình cũng áp dụng nguyên lý trên: đọc thiệt nhiều. Mình chỉ có một điều lưu ý khi gặp từ mới.
Để chọn sách, mình làm các bước sau:
- xem reading list trong syllabus xem Thầy Cô gợi ý sách gì.
- Đọc tùy ý vài trang trong cuốn đó. Nếu dễ hiểu thì dùng lâu dài, khó hiểu thì mình tìm cuốn khác. Cách phân biệt: đọc một hồi, đã quật ngược lại đọc thêm foundation rồi mà vẫn hoài nghi “ủa tác giả viết gì vậy trời” thì là sách khó hiểu. Sách dễ hiểu sẽ dùng từ vựng rất chuẩn và phù hợp, (không hẳn từ vựng dễ, nhưng chúng diễn tả chính xác hiện tượng, biểu hiện bệnh), chứ không dùng từ hoa mỹ. Cách hành văn cũng thông suốt, logic. Từ A dẫn đến B, hậu quả là C, cách chữa là D chứ không đi lòng vòng.
Lưu ý khi gặp từ mới thì hãy tra cú pháp “từ mới” + “word origin”.
Ví dụ khi học bài non-odontogenic cyst (nang không do răng) mình đã học về branchial cleft cyst (nang khe mang). Nang này hiếm, nhưng một khi gặp thì thường có ở vùng cổ trên bên, ở bờ trên của cơ ức đòn – chũm (sternocleidomastoid muscle). Vậy là khi gặp từ mới “sternocleidomastoid”, mình không ráng nhớ kiểu “à từ này viết thế này” mà tìm hiểu về word origin để dễ nhớ hơn, đồng thời sau này gặp lại các yếu tố cấu thành từ này cũng tự suy luận được. Khi tìm ra word origin mình chỉ copy paste vào notion để sau này dễ Ctrl + P từ sternocleidomastoid, chứ không để vào Anki vì mình đọc nhiều, gặp nhiều thì sẽ tự nhớ.

Hồi còn học ở YDS, mình cũng từng chật vật với 2-4 trang trích dẫn từ sách mà Thầy Cô cho để học case study. Nhưng nhờ nguồn sách tiếng Anh dồi dào ở thư viện Kasumi, cùng môi trường học buộc mình sử dụng tiếng Anh hàng ngày, nên mình đã trở nên thành thạo việc đọc sách chuyên ngành bằng tiếng Anh. Mình có thể đọc, hiểu và tự giảng lại cho bản thân. Đồng thời tự tổng hợp kiến thức và dùng nó để lý giải kết quả thí nghiệm trong các môn thực hành (xem report của mình Ở ĐÂY)
Mình tin ai cũng có thể đạt tới, và vượt qua trình độ của mình. Chỉ cần cặm cụi và kiên trì là được. Mình hi vọng bài viết này giúp ích cho bạn. Có vấn đề gì bạn cứ comment nhen. Hẹn gặp lại vào chủ nhật tuần tới ?