“Tại sao học Bác sĩ Răng-Hàm-Mặt không chỉ học vùng miệng thôi, mà phải học cả cơ thể con người?”
Đây là câu hỏi rất “ngây thơ” của mình những ngày đầu mới học ở Y Dược. Nhờ môn Nhập môn Răng Hàm Mặt, mình mới hiểu ra rằng cơ thể là một thể thống nhất.
Chưa kể đến đặc điểm giải phẫu và sinh lý con người, những yếu tố như nghề nghiệp, bệnh toàn thân (systemic diseases), thói quen, tinh thần,… đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Ví dụ, một chuyên gia nếm rượu vang có nguy cơ cao bị mòn răng hóa học (erosion) do acid trong rượu. Một người mắc chứng rối loạn ăn uống (eating disorder) như chứng chán ăn (anorexia nervosa – binge-eating/purging type) có thể ăn uống vô độ rồi tự ói để tránh tăng cân. Điều này nếu kéo dài có thể gây mòn răng (erosion) do acid trong dạ dày trào ngược lên vùng miệng cùng với thức ăn.
Đây chỉ là 2 trong số hàng ngàn ví dụ khác, chúng làm mình nhận ra: ngoài kiến thức nha khoa, mình còn cần phải học cẩn thận các môn khác.
Điều này dẫn dến một vấn đề nhức nhối: 6 năm học cung cấp một lượng kiến thức khổng lồ, làm sao để lưu trữ để ôn lại khi cần, đồng thời liên kết các môn Psychiatry – Oral pathology, Otorhinolaryngology – Anatomy, Pharmacology – Physiology,…
Sau 3 năm liên tục thử nghiệm các kiểu ghi chép và ghi nhớ khác nhau như viết tay ra giấy, đánh máy vào word, Notion, Remnote, làm flashcard Anki… mình nghĩ cách hiệu quả nhất là:
Ghi chép tất cả kiến thức vào một ứng dụng duy nhất – Remnote
Sau khi đọc quyển Understanding How We Learn của tác giả Megan Sumeracki, Oliver Caviglioli, và Yana Weinstein, mình đã tự rút ra cho bản thân 2 nguyên lý cốt lõi để nhớ lâu: spaced repetition và active recall.
- Mình biết đến spaced repetition lần đầu tiên năm 13 tuổi qua cuốn Tôi tài giỏi, bạn cũng thế! của Adam Khoo (I am gifted, so are you!). Ví dụ như đầu tháng 10 mình học bài Kiểm soát nhiễm khuẩn. Nếu mình để đến ngày thi vào tháng 12 mới ôn bài thì sẽ mất rất nhiều công sức. Nhưng nếu mình ôn ngay khi vừa xém quên, ví dụ như 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng sau ngày học bài, thì nỗ lực cần để nhớ lại sẽ ít hơn là dồn lại ôn một lúc.
- Active recall nghĩa là thay vì đọc đi đọc lại sách giáo khoa, thì mình tự đặt câu hỏi, rồi tự bắt bản thân nhớ ra câu trả lời. Ví dụ như mình tự hỏi “Giải thích cơ chế hoạt động của local anesthetics?”. Thay vì dành thời gian đọc đi đọc lại lời giải, thì mình cố gắng tự nhớ ra. Việc tự nhớ sẽ rất khó khăn, và mình mất nhiều công sức hơn, thấy mệt hơn, thấy mình ngu hơn, nhưng thực ra đó mới là cách giúp mình nhớ lâu hơn.
Mình dùng Remnote vì chương trình này giúp mình tích hợp cả active recall và spaced repetition. Mình từng thử viết tay ra giấy tầm 1 tháng rồi ngừng hẳn vì:
- Trên giấy không Ctrl + F để tìm kiếm được. Ví dụ đang học về Oral pathology (bệnh học miệng) mà cần xem lại giải phẫu vùng đầu mặt cổ, nếu dùng giấy thì mình phải mất công lật tìm. Nhưng khi chuyển sang Remnote, mình chỉ cần Ctrl + P, nhập “maxillary sinus” là tìm được ngay ghi chép về giải phẫu trong vòng chưa tới 3 giây.

- Giá trị cốt lõi của mình là tự do. Giả sử sau này mình sinh sống ở một đất nước mới, nếu dùng giấy thì mình sẽ phải mang hàng trăm cuốn vở chứa đựng kiến thức tích lũy hàng năm trời. Hơn nữa giấy còn có thể bị cháy, ướt, rách, mối gặm, mèo gặm,… Chỉ nhiêu đó thôi là kiến thức mình dày công tích cóp sẽ tan tành.
Mình cũng đã dùng Notion trong suốt 1 năm. Nhưng cuối cùng mình quyết định chuyển hẳn sang Remnote vì Notion thiếu tính năng spaced repetition.
Trong Notion, mình vẫn có thể dùng active recall bằng cách tạo toggle. Mình đặt câu hỏi là tiêu đề toggle. Sau khi tự nhớ xong, muốn kiểm tra câu trả lời thì mình mở toggle ra xem đáp án.


Trong Notion, mình có thể tự tạo câu hỏi cho active recall bằng cách dùng toggle, nhưng cách này yêu cầu mình phải tự mở bài ra học. Trong khi mình muốn những bài mình chưa nắm vững phải tự tìm đến mình, yêu cầu mình học những bài này trước. (spaced repetition)
Dù Anki giải quyết được vấn đề spaced repetition trên, nhưng vì bản chất của Anki là flashcards, nên kiến thức bị chia thành những mảnh quá rời rạc, không có cấu trúc rõ ràng.

Remnote đáp ứng được yêu cầu tích hợp cả spaced repetition và active recall. Đồng thời nó giúp mình hệ thống kiến thức trong một khung rõ ràng:

Ghi chép của mình về giải phẫu đầu mặt cổ trong Remnote. Số ở cuối tiêu đề từng mục là số trang trong textbook để mình dễ dàng tìm lại khi cần đọc lại sách.


Về lưu ý khi dùng Remnote thì mình chỉ có 2 điều:
- Hãy học cách dùng shortcut (phím tắt). Đầu tiên, mình cần để ý xem những thao tác nào mình đang dùng chuột và click nhiều. Sau đó tìm kiếm trên Google theo cú pháp
“remnote shortcut” + hành động
Ví dụ như “shortcut to open image occlusion in remnote” - Nhớ ghi lại tên sách và số trang vào tiêu đề từng phần để dễ tìm đọc lại sau này.
Cứ cặm cụi tích lũy dần dần như vậy, càng lên cao mình càng dễ tiếp thu cái mới nhờ phần nền đã xây vững chãi.
Mỗi khi search kiến thức cũ và thấy ghi chép được sắp xếp gọn gàng và logic theo cách hiểu của bản thân cùng hình ảnh minh họa dễ hiểu, mình lại thầm cảm ơn bản thân của quá khứ đã cố gắng rất nhiều. Lãi mẹ đẻ lãi con, mình tin với cách học này, kiến thức của mình sẽ dần tăng theo hiệu ứng cộng dồn, giúp chúng mình trở thành những bác sĩ giỏi.
Nếu được quay lại những ngày mới đậu đại học và chỉ nói được 1 từ, mình chắc chắn sẽ chọn nói: “REMNOTE!”.
Remnote đã giúp mình học tốt hơn rất nhiều. Mình xin chúc bạn thành công với việc học nhen! Có góp ý gì thì bạn comment bên dưới giúp mình nhen. Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc tới cuối bài!