#22 – Kỹ năng phòng tránh vấn đề

Mỗi ngày đi làm, mình đều bị choáng ngợp bởi sự chỉnh chu, cẩn thận đi cùng với khả năng nhìn xa trông rộng của các đồng nghiệp người Nhật.

Cụ thể là mọi người luôn dự đoán những tình huống xấu có thể xảy ra, rồi phòng tránh chúng thay vì chờ tai nạn xảy ra rồi mới tìm cách khắc phục.

Lấy ví dụ như cây bút để ghi bệnh án, thường được cài trên túi áo bên ngực trái. Có một lần trong lúc đưa tay lên chỉnh đèn, găng tay mình vướng vào cây bút, hất nó văng ra một đoạn xa nhưng rất may không văng trúng bệnh nhân. Tất cả diễn tra chỉ trong chưa đầy 2 giây.

Nếu là mình trước đây, thì có lẽ khi xong ca bệnh, mình sẽ nhặt lại bút rồi quên sự việc này luôn. Nhưng bác sĩ chủ trì đã rất để ý và nhắn mình nên cài bút ở túi áo phía dưới bụng, thay vì trên ngực. Nhờ vậy mình mới nhận ra, sự việc đã có thể tồi tệ như thế nào nếu cây bút này không rơi xuống sàn, mà rơi trúng mắt bệnh nhân.

Không chỉ chuyện cây bút, mà những dụng cụ khác như kim tiêm, dung dịch bơm rửa tủy răng,… mình đều được dạy phải cẩn thận khi sử dụng. Nếu là kim tiêm thì cần gắn mũi kim thật chắc vào ống tiêm. Nếu là dung dịch độc hại, thì phải tránh tối đa trường hợp bệnh nhân dính phải. Việc nhìn ra được những điều có thể xảy ra và hành xử cẩn thận ngay bây giờ sẽ giúp phòng tránh rất nhiều vấn đề sau này.

Tất cả những kinh nghiệm này, nếu để mình tự trả giá mới học được thì có lẽ cái giá sẽ rất đắt, đi cùng với đó là những sự hối hận, dằn vặt, và hoài nghi về bản thân. Vì vậy, cũng như ông bà mình thường hay dặn “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, phòng tránh vấn đề ngay từ đầu sẽ luôn tốt hơn là đợi nó xảy ra rồi mới tìm cách khắc phục.