Mỗi khi biên tập lại sổ ghi chép cho công việc trợ thủ nha khoa, mình lại thầm cảm ơn phòng khám đã nhận mình vào làm việc.
Nhờ công việc này, mình mới phát hiện ra điểm yếu là chỉ thấy (see) chứ không quan sát (observe).
“Thấy” dùng để chỉ những thứ tự đập vào mắt mình, dù có muốn hay không. Nói cách khác, mình nhìn một cách bị động.
“Quan sát” nghĩa là nhìn chủ động, có mục đích để hiểu rõ điều gì đó hơn.
Lấy ví dụ như việc trả dụng cụ về vị trí cũ sau khi tiệt trùng. Một phòng nha sẽ có hàng ngàn dụng cụ, từ kính hiển vi to chà bá, tới mũi khoan bé chỉ vài chục mili. Nếu để khác vị trí được quy định chung, thì lúc cần dùng mọi người sẽ phải tốn công đi tìm. Một điều nữa là trước khi bệnh nhân tới, mọi dụng cụ, vật liệu, máy móc… đều cần được chuẩn bị sẵn sàng. Từng bệnh nhân với từng trị liệu khác nhau như nhổ răng, trám răng, chữa tủy,… sẽ cần những dụng cụ chuyên biệt.
Vì vậy, việc ghi nhớ vị trí, tên tiếng Nhật, tên tiếng Anh (để tiện đọc giáo trình), công dụng, cách dùng, cách bảo quản, khử khuẩn, tiệt trùng của từng dụng cụ, vật liệu, máy móc là điều cần thiết để việc điều trị được trơn tru.
Những ngày đầu mới đi làm, mình thường ngây thơ hỏi từng dụng cụ mới được tiệt trùng xong thì nên cất ở đâu. Nghĩa là được dạy “dụng cụ A để trong ngăn kéo số 3 từ trên xuống ở phòng 4” thì mình chỉ biết có thế. Dù có thấy trong ngăn kéo còn có món khác, thì mình cũng không quan tâm. Đây theo mình là cách học bị động.
Có một cách học chủ động, hiệu quả hơn là: khi cất dụng cụ A, mình tranh thủ ghi nhớ thêm trong ngăn kéo đó còn có những dụng cụ nào, nó tên gì, dùng khi nào, dùng làm sao, đang được bảo quản như thế nào, dụng cụ nào thường được dùng theo cặp … Đây chính là quan sát.
Nói cách khác, chỉ mỗi cái ngăn kéo chứa dụng cụ trông đơn giản thế thôi, chứ nó chứa rất nhiều thông tin hữu ích.
Từ khi đổi được cách học từ bị động sang chủ động, mình lại khám phá ra nhiều niềm vui mới:
- Cảm giác vui vẻ lạ kỳ khi bắt gặp dụng cụ mình thường xuyên tiếp xúc ngoài đời trong textbook và ngược lại.
- Sự thỏa mãn trí tò mò khi hiểu ra dụng cụ X có công dụng là Y, Z,…; Hay khi quan sát ở phòng khám, rồi học trên trường và hiểu ra điều trị E nằm trong một quy trình lớn hơn là G.
- Được làm việc trong trạng thái flow, tập trung đến mức quên cả thời gian, mệt mỏi.
- Thực sự sống cho khoảnh khắc ngay tại đây, ngay lúc này.
- Sự kinh ngạc khi nhận ra ngay cả rác cũng chứa nhiều thông tin đến thế.
Mình tin rằng ai cũng có thể chuyển từ “nhìn” sang “quan sát”. Sự chuyển đổi tưởng chừng như không đáng kể này đã giúp mình phát triển rất nhiều. Mình hi vọng gợi ý này sẽ đem đến cho bạn những thành công còn hơn thế nữa.
Cảm ơn bạn đã đọc đến cuối bài. Hẹn tuần sau mình lại gặp nhen!
