Mình thành thật xin lỗi mọi người vì đã thất hứa. Hẹn đăng bài hôm qua nhưng tới hôm nay mới hoàn thành.
Mình đã phân vân rất nhiều không biết những gì mình sắp kể đây có đem lại giá trị gì cho người đọc hay không. Nhưng khi tự hỏi: “Nếu mình là người đọc, thì mình có muốn đọc bài này không?”, thì câu trả lời rõ ràng là “Có. Mình ước gì có ai đó nói cho mình những điều này sớm hơn.”
Vì vậy, mình hi vọng những câu chuyện sau đây cũng sẽ giúp ích cho bạn.

Sáng thứ ba tuần trước, mình lọc cọc kéo vali ra khỏi phòng, ra sân bay khởi hành tới Hokkaido, miền bắc Nhật Bản. Mình xem đây như một chuyến đi thực địa hơn là một chuyến đi chơi. Lý do là vì trong rất nhiều trường hợp, khi đạt được những điều mình tưởng là mình mong muốn, đó là lúc mình nhìn ra cái giá phải trả để có được.
- đằng sau “đậu đại học” là nhiều ngày học hành, thi cử
- đằng sau “sống tự lập ở nước ngoài” là những lúc ngắm ảnh ba mẹ anh hai mà ứa nước mắt vì không về được. Có lúc mình thèm lắm cái bánh mì 12 ngàn, tô phở hay tô bún bò buổi sáng. Rồi bị đau ốm gì thì ngoài tự chăm, còn cần nghĩ thêm xin nghỉ làm như thế nào, cần viết mail gửi Thầy Cô ra sao,… khi đang rất mệt.
Mình coi trọng sự độc lập, tự do hơn là mối quan hệ với người khác. Nghĩa là mình thích đi du lịch một mình hơn là đi nhóm đông người. Vậy là mình cần đánh đổi sự độc lập với sự cô đơn.
Bức tranh cho cuộc sống cá nhân mình hướng đến trong 10 năm tới là một cuộc sống tự do. Cụ thể là thức dậy vào một sáng, và tự tin nói với bản thân là: “Bây giờ mình có thể làm bất cứ điều gì, bất cứ lúc nào, với bất cứ ai mình muốn, bao lâu cũng được”. Nếu muốn đi bộ dạo phố một mình nguyên buổi sáng, ok mình hoàn toàn có thể. Khi đi bảo tàng, mình có thể nán lại 1-2 tiếng mà không cảm thấy khó xử với những người bạn đồng hành.
Mình cũng hoàn toàn không định có con. Khi nghe kể về quyết định này, nhiều người hay bảo “thế về già thì ai chăm mày?” Cá nhân mình nghĩ việc sinh con ra chỉ để về già có người chăm thì thật bất công cho đứa nhỏ. Chọn sinh con là quyết định của mình, chứ đứa bé có được chọn đâu. Nếu một ngày mình không sống độc lập được nữa, thì đó đối với mình chỉ là “tồn tại” chứ không phải “sống” nữa rồi. Khi đó mình sẽ chọn an tử, như Will trong phim Me Before You.
Nhưng qua nhiều năm, mình dần hiểu câu “Be careful what you wish for”. Lỡ như cuộc sống mình đang hướng tới, lại không phải là cái mình muốn thì sao. Mình đang thay đổi từng ngày. Những gì Quỳnh tuổi 20 muốn sẽ rất khác tuổi 30. Vì vậy, trải nghiệm đi du lịch một mình ở Hokkaido lần này là để test thử giả thuyết: “Mình thích sự độc lập, tự do. Nếu đi chơi với người khác, thì chỉ 1 người là đủ.”
Và mình nghĩ giả thuyết trên là đúng, ít nhất là vào lúc này, hoặc đến khi mình gặp thêm nhiều người bạn đồng hành hợp cạ.
Sau đây là những mẩu chuyện mình quan sát được trong chuyến đi Hokkaido lần này. Hi vọng những tấm ảnh, những cảnh đẹp này sẽ phần nào truyền tải sự kỳ diệu của Hokkaido qua màn hình này nha.


Để tiện cho bạn muốn đi Hokkaido, thì mình cũng để link các địa điểm trên Google map nhe. Bạn click vào, hoặc xem tổng kết ở cuối bài nhé. Những nơi mình có đi nhưng không recommend thì mình sẽ không để link nha.
Ngày thứ 1: Japan Technology thật sự rất kinh hoàng!
Hồi còn ở Việt Nam, mình thường ra sân bay trước 2 tiếng, xếp hàng tầm 15-30 phút (mình có hành lý ký gửi) thì mới được checkin. Nhưng khi bay ở Nhật (hãng Japan Airlines), thời gian checkin, gửi hành lý, đi qua kiểm tra an ninh ở Hiroshima Airport tổng cộng chỉ vỏn vẹn 5 phút!
Lúc lên máy bay, hành khách được chia theo từng group theo vị trí chỗ ngồi. Group 1 là ghế gần cửa sổ, ghế cho các đối tượng ưu tiên như phụ nữ mang thai, người già, gia đình có con nhỏ. Mình ở group 5, là ghế sát hành lang. Mọi người cứ tuần tự lên máy bay theo từng group như vậy. Chắc nhờ cách sắp xếp khoa học, mà thời gian boarding cũng chỉ 10 phút là đóng cửa khởi hành.
Gia đình nào có em bé còn được phát đồ chơi. Phụ huynh cũng rất ý tứ, nên dù chuyến bay rất đông trẻ nhỏ, nhưng mình hiếm khi nghe tiếng khóc, nếu có các bé cũng nín rất nhanh.
Mọi thứ cực kỳ hiệu quả và nhanh gọn lẹ. Làm mình cảm thấy rùng mình khi thực sự cảm nhận được Nhật Bản đã đi trước mình như thế nào.

Người Hokkaido tốt bụng ghê.
Đáp xuống sân bay New Chitose, mình choáng ngợp khi nhìn đâu cũng thấy tuyết y như Winter Wonderland. Cảm thấy mình đã thực sự lớn rồi khi tự đặt vé máy bay, tự ra sân bay, tự bay, tự đi du lịch một mình.




Khi mình đang kéo vali về guesthouse, thì gặp một anh đi xe đạp tưởng mình bị lạc đường nên hỏi thăm. Ảnh bảo “Khu này ít khi thấy khách du lịch, mà em lại kéo vali, cầm điện thoại tìm đường nên trông như bị lạc.” Mình cũng hơi sợ người lạ, nhưng guesthouse ngay trước mặt rồi nên bảo mình tự đi được. Vậy là ảnh đi trước khảo sát, thấy mình tới nơi rồi là chào tạm biệt rồi biến mất dạng luôn.
Đúng là mình thấy hơn rợn rợn, nhưng may là người tốt thiệt, chẳng có chuyện gì. Mình cũng thủ sẵn đồ tự vệ, nên cũng đỡ lo.


Nhờ ở guesthouse, nên mình có cơ hội gặp nhiều người từ rất nhiều nước khác nhau.
Có anh chàng Trung Quốc, biết nói tiếng Nhật, Trung, Anh. Có anh chàng Hàn Quốc, từng tình nguyện dạy tiếng Hàn ở Việt Nam cho các bé con lai Hàn-Việt sống ở Việt Nam. Các bé khi về Hàn thăm ông bà thường không nói được tiếng Hàn, không giao tiếp được nên cần những tình nguyện viên xóa bớt khoảng cách ấy. Bằng một cách thần kỳ nào đó, anh Hàn nói chuyện với anh Trung bằng tiếng Trung. Khi có mình thì 2 người đổi sang tiếng Anh. Lâu lâu lại nói tiếng Nhật?!
Có cô gái từ Malaysia đang đón năm mới ở Hokkaido cùng gia đình. Cũng có người Nhật Bản giống mình, solo travel và trọ ở đây. Nhờ ở guesthouse này, mà mình nhận ra thế giới rộng lớn đến như vậy.
Người Hokkaido hút thuốc dữ ghê. Cơ mà già trẻ lớn bé ai cũng dễ thương khi đi như chim cánh cụt.
Check-in xong thì mình hỏi anh chủ gợi ý quán ăn ngon. Ảnh chỉ mình một quán tên RoTa, vậy là mình đi luôn.

Nhưng mà ôi trời, kinh nghiệm xương máu: nếu bạn không chịu được khói thuốc, thì hãy check kỹ xem nhà hàng có cấm hút thuốc không nhen.
Mình vào quán gọi món xong xuôi rồi, thì mới để ý thấy bảng: Cấm trẻ dưới 20 tuổi. Lý do là vì quán cho hút thuốc, nên trẻ vị thành niên không được vào để tránh hút thuốc bị động.
Vì không chịu được mùi thuốc, nên mình xin phép ra ngoài chờ, sẵn tiện làm photoshoot với tuyết luôn. Hì hì kiểu gì cũng vui!
Quan sát một hồi mình mới thấy người Hokkaido ai cũng đi như chim cánh cụt. Dù lạnh nhưng mọi người không vừa đi vừa đút tay vào túi áo, mà dang 2 tay ra giữ thăng bằng phòng khi té ngã do tuyết khi biến thành băng thì rất trơn. Chắc để giữ ấm, thì họ hút thuốc nhiều hơn ở các thành phố khác rất nhiều. Ở đây cũng rất ít người đi xe đạp, đa số là đi bộ. Ngoài ra còn có một phương tiện mới là máng trượt. Nhà nào đông con thì các bé ngồi lên máng trượt cho cha mẹ kéo đi (như tuần lộc kéo xe ông già Noel vậy á).




Nikka Whisky là một trong những nhà sản xuất whisky hàng đầu Nhật Bản. Nhà máy chưng cất chính của họ được đặt ở thành phố Yoichi, tỉnh Hokkaido.
Sự nghiêm túc của người Nhật trong bất cứ việc gì họ làm cũng được thể hiện từ đây: Nhà sáng lập Taketsuru Masataka (được xem là cha đẻ của Whisky Nhật Bản) đã sang Scotland học kỹ thuật làm whisky vài năm rồi mang về Nhật Bản. Ban đầu nhà máy được đặt ở Kyoto (tầm miền trung Nhật Bản), rồi dời về Hokkaido vì khí hậu lạnh giống Scotland thuận lợi cho việc tạo ra dòng Scotch whisky nguyên bản nhất.


Đi một hồi mình thấy muốn đọc sách, yên tĩnh suy nghĩ nên lượn vào quán Shelter Cafe đọc sách. Đây là một tiệm hoa khô kiêm quán cafe.





Hạnh phúc là thế này ư?
Khi bước ra khỏi quán lúc 8:30 tối, mình choáng ngợp khi bên ngoài tuyết rơi đầy trời luôn. Như một cơn bão tuyết vậy á! Dù lạnh nhưng mà vui lắm khi mọi thứ như trong một giấc mơ.
Vì mình sống ở Việt Nam suốt 20 năm rồi, nên được nhìn thấy nhiều tuyết như thế này là lần đầu tiên trong đời. Giờ nhìn lại mới thấy mình vui như một đứa trẻ hehe.


Trên đường về, mình bắt gặp một cặp vợ chồng người Thái Lan cũng đang chơi với tuyết. Vậy là mình đề nghị quay video giúp họ, hoàn thành mục tiêu mỗi ngày 1 act of kindness.
Ngày thứ 2 – guesthouse, hostel và bài học về sunk cost
Mình dậy tầm 8:00 sáng, đánh răng, tắm, rửa mặt, soạn lại vali để checkout là tới 9:45. Mình ăn sáng (miễn phí) và gọi thêm latte nóng rồi khởi hành tới hostel mới.
Vì vé máy bay ngày 26 + tiền trọ guesthouse = vé máy bay ngày 27, nên mình tới Hokkaido sớm hơn 1 ngày so với mọi người. Trước đó, mình đã định là từ ngày 27 sẽ đi chơi chung với nhóm lớn 12 người, gồm các bạn du học sinh khác, nhưng sau ngày đầu đi một mình vui quá, vậy là mình đổi kế hoạch thành đi một mình hết chuyến này luôn.


Hostel mới dù đắt hơn gấp đôi, nhưng thực sự trang thiết bị không được như mong đợi. Điều này đã dạy mình một bài học nhớ đời về sunk cost (chi phí đã bỏ ra và không thể thu hồi).
Mình đưa ra quyết định đi Hokkaido là vào khoảng 1 tháng trước. Khi ấy mình xác định đây là một group trip, và cho rằng khoảng tiền chênh lệch hơn này là xứng đáng để tạo thêm nhiều kỷ niệm với mọi người trong IDC.
Nhưng Quỳnh khi bắt đầu chuyến đi là một Quỳnh mới, và quyết định của Quỳnh hồi tháng 11 đã cho mình không còn đường lui. Tiền hostel dù đắt hơn gấp đôi (4,776 / đêm, so với 2,500 ở guesthouse Yasube ban đầu), nhưng mình đã trả trước theo nhóm mất rồi.
Mình có 2 lựa chọn khi đối mặt với sunk cost này
- đi chung với nhóm, và có thể không được vui như mình mong muốn, hoặc vui hơn mình mong đợi
- hoặc tiếp tục đi chơi một mình vì thấy như vậy vui hơn, và xem số tiền 11,380 yen chênh lệch như tiền học phí, dạy mình rằng đừng go-all-in cho bất cứ điều gì khi mình còn chưa rõ mình có thật sự muốn nó không. Nếu mình quyết định sai, thì cứ abandon ship và đi theo kế hoạch mới. Chứ không vì tiếc số tiền, công sức đã đầu tư mà cố gắng nương theo quyết định sai của quá khứ.
Chợ cá Nijo
Sau khi gửi vali ở hostel mới (plat hostel keikyu sapporo ichiba), mình dạo bộ ra Nijo Market ngay đối diện hostel. Ở đây bán rất nhiều đồ hải sản như cá, mực, tôm hùm,…








Sông Soseigawa chạy theo hướng Bắc-Nam, là mốc đánh dấu chia thành phố Sapporo làm 2 nửa Đông-Tây. Nếu nhìn kỹ thêm bản đồ phía dưới, thì có thể thấy sự quy hoạch kỹ càng của chính phủ Nhật Bản khi quyết định phát triển vùng Hokkaido này. Mọi block nhà đều rất vuông vức và quy củ đúng hong? Điều này làm mình nhớ tới thành phố Đà Nẵng cũng được tổ chức tốt như vậy.
Để có được thành tựu này là một câu chuyện dài, mình sẽ kể tiếp ở dưới nhen.

Sapporo Factory – Nagayama Memorial Park
Đây là một khu bán lẻ, có đủ các loại từ nhà hàng, quần áo, dịch vụ,… Cả tòa nhà như một nhà kính khổng lồ.





Ngay bên cạnh Sapporo Factory là Nayagama Memorial Park. Đây là nơi ở của vị tướng Nagayama Takeshiro (ngôi nhà màu nâu), ngay bên cạnh là ký túc xá cho nhân viên của công ty đào mỏ Mitsubishi (nhà màu xanh ngọc). Mình thấy cũng không có gì đặc biệt lắm. Chỉ thấy vào nhà dù lót thảm mà vẫn lạnh kinh dị, làm mình thấy đồng cảm với người xưa phải chịu lạnh điên cuồng.


Beer Museum
Từ Nagayama Memorial Park, mình đi bộ thêm 30 phút nữa là tới Beer Museum (Bảo tàng bia). (Google ghi 15 phút chắc là trong điều kiện thời tiết đẹp, chứ mình vừa đi bộ vừa run cầm cập thì mất tới 30 phút).





Beer Museum là một nơi mình rất rất recommend khi tới Sapporo. Mình dùng free tour là rất ổn rồi, không cần premium tour đâu vì nó bằng tiếng Nhật. Hơn nữa trong bảo tàng cũng được chuẩn bị rất nhiều leaflet bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau để ai cũng hiểu được.

Đi bảo tàng mới biết, để có được thương hiệu bia Sapporo ngày nay là cả một câu chuyện dàiiiiii~
Chuyện là từ năm 1869, chính phủ Nhật Bản quyết định thành lập Kaitakushi (Ủy ban phát triển Hokkaido) để phát triển vùng đất mới này. Sự phát triển của Hokkaido được xem như là một dự án cốt yếu giúp xây dựng một Nhật Bản hiện đại.
Rất nhiều cố vấn từ phương Tây được tuyển dụng, lý giải tại sao nhiều kiến trúc ở Hokkaido mang đậm ảnh hưởng phương Tây. Họ khảo sát kỹ lưỡng khí hậu, địa hình, khoáng sản ở Hokkaido, rồi bắt đầu đo đạc và quy hoạch thành phố Sapporo thành các khu như bây giờ. Thành phố được chia như bàn cờ, rồi thành từng khu công nghiệp, giao thương, chính trị với các block nhà vuông vức, đường rộng 20m chạy theo hướng Đông-Tây và Bắc-Nam.

Sản xuất bia được xác định là một trong những mảng chính thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, công nghiệp ở Hokkaido. Quá trình làm bia có một khâu gọi là lên men. Để kìm hãm quá trình lên men quá mức, ta cần dùng rất nhiều đá để làm giảm nhiệt độ, giảm hoạt động của enzyme. Khí hậu lạnh với nhiều băng ở Hokkaido vì vậy rất phù hợp để sản xuất bia. Nên người phụ trách mảng bia Hisanari Murahashi đã thúc đẩy quyết định thành lập nhà máy bia ở Hokkaido ngay từ đầu, thay vì theo kế hoạch ban đầu là chạy thử ở Tokyo, rồi chuyển nhà máy lên Hokkaido khi chạy thử thành công.
Hisanari Murahashi đã mời Seibei Nakagawa chủ trì mảng sản xuất bia. Từ năm 17 tuổi, ông đã lên đường tới Đức để học cách làm bia. Seibei Nakagawa phụ trách phần thiết kế nhà máy, còn Hisanari Murahashi giám sát phần xây dựng. Cả hai người đều có thời gian đi du học ở các nước châu Âu, và được trực tiếp chứng kiến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, để rồi sau này áp dụng vào sự xây dựng vùng Hokkaido của nước Nhật.



Chỉ sơ sơ thế thôi cũng làm mình khâm phục người Nhật. Trong thời gian du học ở đây, mình nhận thấy Nhật Bản kết hợp rất tốt sự hiện đại trong khi vẫn giữ những nét truyền thống lâu đời. Nói cách khác là “Hòa nhập chứ không hòa tan”. Họ còn rất để ý những chi tiết nhỏ, những điều mà mình thường xuề xòa lướt qua. Mình nghĩ những đức tính đó giúp phần nào lý giải tại sao Nhật Bản phát triển như bây giờ.
Phù~ Bài tuần này dài quá rồi. Nhưng kể tới đây thì mới chỉ được 1.5 ngày thôi. Còn tận 5.5 ngày nữa lận. Phần còn lại mình sẽ đăng vào tối chủ nhật tuần này nhen. Hẹn gặp bạn sau nhennnnn.