“Be careful what you wish for”.
“Hãy cẩn thận với điều bạn hằng ao ước”
Mình biết tới câu thành ngữ này trong lớp học thêm tiếng Anh vào hồi tuổi 15, nhưng chỉ thực sự thấm khi đã ngoài 20.
Những ngày ôn thi đại học năm 18 tuổi, mỗi khi ngồi sau lưng ba trên đường về nhà từ lớp học thêm, mình thường nhìn lên bầu trời sao rồi ước được đậu YDS, được đi du lịch Nhật Bản với gia đình, được đi du học ngành Y,… Đến bây giờ nhìn lại, mình nhận ra bản thân bây giờ đang có tất cả những điều mình từng mơ ước. Cùng với đó là những “ngày mưa”:
- buồn vì mình mắc lỗi trong công việc, làm ảnh hưởng bệnh nhân, khách hàng và đồng nghiệp
- buồn vì tự nhiên gặp chấn thương lãng xẹt (trật xương bánh chè (patella dislocation) vì cởi giày sai tư thế), làm mình chi một đống tiền và thời gian chữa trị
- ngồi trong thư viện, trong giảng đường cũng tức chảy nước mắt vì nhận ra những gì mình biết chỉ là một giọt nước trong đại dương
Cuộc sống một mình ở Nhật đã dạy mình cách vượt qua những ngày buồn như vậy bằng 3 bước theo thứ tự thời gian:
- Hôm nay: Hãy sống hết mình trong nỗi buồn
- Buồn thì cứ khóc đi
- Nhớ quay video gửi cho 2 người bạn: mình ở quá khứ, và mình ở tương lai
- Ngủ một giấc thật ngon
- Ngày mai: Sau một giấc ngủ ngon, xem lại video bản thân trong quá khứ và ngẫm xem mình đã học được gì từ trải nghiệm này?
- Những ngày sau đó: Tập thói quen ghi lại những điều làm mình hạnh phúc
Hôm nay: Hãy sống hết mình trong nỗi buồn
Mình từng rất stress vì được điểm C cho một bài report của môn Bệnh học miệng (Oral Pathology).
Môn này rất quan trọng vì nó đưa ra chẩn đoán xác định (definitive diagnosis), thứ quyết định phương hướng điều trị. Ung thư (cancer) và loét (ulcer) ở lưỡi có thể có biểu hiện bệnh giống nhau khi khám, nhưng điều trị thì hoàn toàn khác nhau.
Vì nó quan trọng như thế nên mình tâm niệm phải học thật kỹ môn này. Thế nên khi được kết quả thấp, mình rất sợ ý nghĩ bản thân không đủ khả năng làm bác sĩ. Nỗi sợ này bao trùm lấy tâm trí mình, làm mình không tập trung gì được suốt buổi chiều hôm đó.
Nhưng rồi mình nghĩ, “Nếu buồn thì cứ khóc đi”, rồi lựa một tòa nhà ít người, vào nhà vệ sinh, quay video bản thân khóc một cơn thật đã. Mình vừa khóc vừa nói ra tất cả những suy nghĩ trong lòng.
Sau khi khóc thì nỗi buồn chắc sẽ không bay biến ngay đâu. Nhưng mình sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi bày tỏ được những cảm xúc tiêu cực này.
Điều quan trọng là bằng cách quay video, mình có thể tạo ra 2 người bạn: mình trong quá khứ, và mình ở tương lai.
Cuối cùng thì hãy ngủ đủ giấc, đừng thức khuya nhen. Lý do cụ thể tại sao thì bạn hãy đọc cuốn Why We Sleep của tác giả Matthew Walker, hoặc học khóa Masterclass, hoặc video TED Talk này nhen.
Ngày mai: Ngẫm xem mình đã học được gì từ trải nghiệm này?
Mình thường xem trải nghiệm bị chấn thương đầu gối là “a blessing in disguise” (tạm dịch: “trong cái rủi có cái may”)
Nó dạy mình trân trọng những gì mình đang có, và thói quen nghĩ cho người khác, và nghĩ cho mình. Sự thay đổi mindset này làm mình hạnh phúc hơn trước rất nhiều.
1. Trân trọng những gì mình đang có
Dù chấn thương đầu gối làm mình không đạp xe được, nhưng mình còn có thể đi bộ. Nhờ việc “phải” đi chậm lại, mình có cơ hội ngắm nhìn cảnh đẹp mà hồi trước mình thường đạp lướt qua.

2. Nghĩ cho người khác, và nghĩ cho mình
Nghĩ cho người khác: Có thể người đang cười trước mặt mình này, mới tối hôm qua thôi, họ đã khóc ướt đẫm gối. Có thể sau lớp quần áo và da thịt đó, là những vết thương về thể chất và tinh thần mà mình sẽ không bao giờ hiểu được.
Nhờ bản thân đã trải qua bệnh tật, mình mới trở thành một người ấm áp và biết quan tâm người khác hơn. Ví dụ như chủ động hỏi han khi bạn bè đau ốm, ghi chép bài dễ hiểu để cho bạn mượn nếu cần, nhường chỗ gần máy sưởi khi bạn bị cảm, đóng cửa sổ khi ngồi gần bạn bị dị ứng phấn hoa,…
Nghĩ cho mình: Đây là một cách nghĩ mới lạ mà mình rất tâm đắc. Mình nhận ra mỗi người đều có những hoàn cảnh khác nhau. Vì vậy mình đừng nên so sánh bản thân với người khác. Suy nghĩ của mỗi người cũng là ở trong đầu của họ, mình sẽ không bao giờ biết chắc được người khác đang nghĩ gì.
Cụ thể là sau khi hỏi ý kiến bác sĩ, mình vẫn có thể đi làm vào thứ bảy theo lịch đã đăng ký, 4 ngày sau khi gặp chấn thương. Nhưng được 1 tiếng thì mình lại xin về giữa chừng vì đầu gối đau không chịu nổi.
Lúc về mình thấy rất buồn vì mọi người ai cũng đang làm việc chăm chỉ. Suy nghĩ của mình rất tiêu cực: “Mình về giữa chừng thế này thì mọi người có nghĩ mình lười biếng, vô trách nhiệm, yếu đuối không ta? Mình được trả tiền xe bus 2 chiều mà làm 1 tiếng rồi về. Mọi người bỏ công sức tuyển mình về phụ mà mình lại thế này là vô dụng quá.”
Nhưng mình nhận ra bản thân là người hiểu rõ nhất cơ thể mình chịu đựng được tới đâu. Những suy diễn tiêu cực kia cũng chỉ ở trong đầu mình, chứ không phải lời đồng nghiệp mình nói ra. Việc nghĩ cho mình này thực sự đã giúp mình thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực ấy.
Khi buồn, chúng mình rất dễ bị cuốn vào những suy nghĩ tiêu cực mà không dứt ra được.
Bằng cách tách bản thân thành phiên bản ở hiện tại, quá khứ và tương lai bằng cách quay video, mình có thể tạo đà dứt khỏi dòng xoáy tiêu cực ấy.
Cụ thể là sau khi ngủ một giấc tới sáng hôm sau, hãy xem lại video mình quay hôm trước ở một góc nhìn khác. Giả sử người trong video là bạn thân, là người yêu, hay là người bạn yêu quý nhất, thì bạn sẽ đáp lại những suy nghĩ của họ như thế nào?
Về bản thân mình, từ trải nghiệm tưởng chừng như tiêu cực trên, mình đã rút ra 2 bài học quý giá. Lâu dần, mình tập được thói quen dài hạn là nhìn ra điều tích cực khi mọi chuyện không được như ý muốn:
- may là mình được điểm C trong bài report (20% điểm), chứ không phải bài thi cuối kỳ (70% điểm)
- may là mình có đủ tiền để chữa trị khi bệnh tật
- có thể mình không xinh xuất sắc, nhưng nhan sắc trung bình của mình làm người khác cảm thấy dễ chịu khi ở bên
Những ngày sau đó: Tập thói quen ghi lại những điều làm mình hạnh phúc
Khi buồn, mình như trở thành một con người khác.
Mình áp hết một màu xám cho cuộc sống từ đó đến giờ, chối bỏ những ngày hạnh phúc mình từng trải qua. Nhưng sự thật là cuộc đời ai cũng có những ngày mưa và ngày nắng. Chỉ là vào ngày mưa, cây dù trên đầu mình đã chắn hết tầm nhìn.
Để phá bỏ thói quen này, mình ghi lại tất cả những khoảnh khắc hạnh phúc vào một tab trong notion, bao gồm 4 loại:
- Những điều tử tế mình làm cho người khác
- đóng cửa sổ khi thấy bạn bên cạnh bị dị ứng phấn hoa
- mình đi lấy tài liệu in sẵn thì tiện lấy luôn cho người ngồi cạnh
- báo Thầy là bạn có mặt khi bạn đi vệ sinh trúng lúc điểm danh
- Những điều tử tế người khác làm cho mình
- được giữ cửa cho
- được bạn bè hỏi han khi thấy mình đi cà nhắc
- đọc được một câu quote hay trên LinkedIn, mình screenshot rồi share vào Notion
- Điều làm mình thấy bản thân thiệt ngầu
- nghe nhạc tiếng Nhật mà hiểu được ca từ
- ngồi trên giảng đường, vừa học vừa cưởi tủm tỉm vì hiểu được bài giảng tiếng Nhật
- tự kiếm cho mình được một công việc ở Nhật
- Đơn giản là hạnh phúc
- buổi sáng đi chung thang máy với crush
- ăn đồ ăn tự nấu ngon tuyệt cú mèo
Mỗi lúc xuống tâm trạng, mình sẽ bung tab Notion này ra đọc lại, từ từ hướng bản thân quay lại mode tích cực
Phù~ Bài này khá dài, nhưng tất cả nội dung đều đi từ những gì mình đã trải qua. Nếu nó có ích cho bạn, thì nhớ cho mình biết ở phần comment, hoặc email tới nkquynh.ump@gmai.com nhen! Mỗi lần nhận được comment là mình vui lắm lắm á nhen.

Hình minh họa cách sống hết mình trong nỗi buồn, của tác giả
Stephanie Harrison
Comments
2 responses to “#13 – 3 bước để đi qua những “ngày mưa” vào hôm nay, ngày mai, và những ngày sau đó”
Vẫn luôn dõi theo những bài viết của bạn. Mỗi tuần đều đợi bài viết từ Quỳnh như một thói quen
Mỗi bài viết đều rất tâm huyết và cảm giác được chữa lành ?
Ôi em cảm ơn comment của chị ạ! Ở Nhật giờ đã gần 2h sáng, em vừa đạp xe trong cái lạnh kinh hoàng từ thư viện về tới nhà. Cơ mà được đọc comment của chị làm em ấm lên ngay ạ ^^