#11 – 2 phút ghi chép chi tiêu mỗi tối suốt 16 tháng giúp mình vượt qua khi sống một mình ở nước ngoài và bất ngờ ngã bệnh

Có một hồi mình bị trật xương bánh chè (patella dislocation). Đau không từ nào tả nổi. Qua lớp quần jeans vẫn sờ được đầu gối mình biến dạng luôn mà.

Mình tìm trên google được một phòng khám cách nhà chỉ 10 phút đi bộ. Nhưng chân mình đau đến nỗi không thể tự nhảy lò cò hay đi cà nhắc tới được, nhờ bạn chở bằng xe đạp là phạm luật ở Nhật, nên mình chỉ còn cách gọi taxi.

Lúc nhìn giá taxi (~200 ngàn cho 5 phút ngồi xe), nếu là mình của khi trước sẽ cảm thấy tiếc tiền, nhưng giờ lại cảm thấy nhẹ nhõm lạ kỳ: “Mình làm việc chăm chỉ chính là để dùng cho những lúc thế này mà.”

Chi phí điều trị sau đó cũng may mắn nằm trong khả năng chi trả của mình.

Trải nghiệm này đã dạy mình một bài học nhớ đời về tầm quan trọng của việc quản lý chi tiêu. Nếu không nhờ 2 lớp lá chắn (emergency và rainy day funds), câu chuyện đã có thể thảm hơn rất nhiều.

Nhìn ra tương lai, mình mới thấy công việc mơ ước mà mình cho là ổn định – bác sĩ răng-hàm-mặt, thực ra lại rất chông chênh. Chỉ cần bất cẩn gặp chấn thương ở tay là có thể làm mình nghỉ việc.

Để chuẩn bị trước hết là cho bản thân, xa hơn là cho gia đình, trước những hoàn cảnh bất ngờ như vậy, mình tin quản lý tài chính cá nhân là hết sức cần thiết.

Ghi chép chi tiêu mục sức khỏe của mình từ tháng 4 đến tháng 11.


Mình học được phương pháp quản lý tài chính cá nhân từ series Hành trình tự do tài chính của chú Hiếu Nguyễn tầm tháng 6/2021. Nhưng đến tận khi sang Nhật, nhận những đồng lương từ công việc đầu tiên – nhân viên dọn dẹp ở phòng khám nha, mình mới bắt đầu áp dụng (tháng 7/2022).

Nội dung bài viết sắp tới sẽ nêu tường tận hơn mình đã áp dụng kiến thức ấy như thế nào. Chủ yếu có 2 thời điểm chính:

  1. Ngắn hạn: Dành 2 phút mỗi tối trước khi đi ngủ dọn hóa đơn trong ví, ghi chép chi tiêu trong ngày vào ứng dụng Money Manager
  2. Dài hạn: Vào ngày lương tới tài khoản, ngay lập tức để vào các tài khoản con như một thác nước:
    • A. Daily expenses = chi tiêu hàng tháng
    • B. Emergency fund = 6 ~ 12 lần chi tiêu hàng tháng
    • C. Rainy day fund = các khoản chi có kế hoạch
    • D. Investment account = còn lại

1. Ngắn Hạn

Why? Tại sao cần ghi chép chi tiêu mỗi ngày?

Có một câu nói mình rất tâm đắc, “Chúng ta chỉ sợ những gì mình không biết”. Việc ghi chép chi tiêu sẽ giúp mình nắm rõ tình hình tài chính cá nhân. Từ đó mình mới có thể “chỉ mặt đặt tên” những khoản tưởng nhỏ nhưng qua thời gian dài rất tốn kém như: phí rút tiền 110 yen ở ATM, bánh tráng miệng, ăn hàng tốn gấp đôi tự nấu, đạp xe 15 phút sẽ tiết kiệm 220 yen tiền bus mà cũng nhiêu đó thời gian, etc.

Ứng dụng mình dùng là Money Manager (Android) và hoàn toàn miễn phí. Mỗi tối mình cứ nhập tuần tự vào các mục có sẵn trong ứng dụng là xong:

Logo ứng dụng Money Manager Expense & Budget
Giao diện ứng dụng Money Manager
  • Income: Tiền lương
  • Expense: Chi tiêu
  • Transfer: chuyển từ account này sang account khác
    (vd: từ ngân hàng BIDV sang ví momo)
  • Date: Quan trọng nhất là ngày chi.
    Mình chỉ nhập thêm giờ chi khi đi chơi xa, lúc mà mình chi rất nhiều khoản lắt nhắt trong 1 ngày. Lúc này nếu thiếu giờ chi sẽ rất dễ sót.
  • Account: Chọn tài khoản mình đã dùng để chi
    (vd: tiền mặt, thẻ ngân hàng, ví momo)
  • Catergory: Loại chi tiêu
    (đồ ăn, quần áo, sức khỏe, học tập, etc.)
  • Amount: Số tiền đã chi. Nếu tiền thuế giá trị gia tăng được tính cho cả hóa đơn, thì nhớ ghi vào.
    (vd: giá 1 cây bắp cải trên là 100 yen. Nhưng sau thuế sẽ thành 108 yen. Vậy nên mình tách thành 2 khoản: bắp cải 100 yen + thuế 8 yen)
  • (Quan trọng) Note: ghi theo cú pháp: tên cửa hàng + tên món hàng
    • Note rất quan trọng vì nó giúp mình so sánh giá giữa các cửa hàng. Ví dụ, mình có thể search “pumpkin” ra được lịch sử mua hàng, và biết ngay liệu giá cả tiệm này có phải chăng không. Nhiều khi trứng tiệm này mắc hơn chỗ khác chỉ 50 yen, nhưng món đó mình mua liên tục sẽ tích thành khoảng tiền rất lớn.
    • Nên ghi bằng 1 ngôn ngữ duy nhất. Mình recommend tiếng Anh vì không cần dấu. Sau này mua lại món đó chỉ gần nhập những chữ cái đầu, app sẽ điền tự động cho mình.
    • vd: mua bí đỏ ở siêu thị Dio = dio pumpkin
      mua hành lá ở siêu thị Gyomu = gyomu green onions
  • (Quan trọng) Description: chia làm 3 loại
    • must have = đồ thiết yếu, không có sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu cơ bản.
      Ví dụ như thức ăn, tiền nước, tiền điện, etc.
    • nice to have = có cũng được, không có cũng không sao.
      Ví dụ như bánh tráng miệng, tiền ăn hàng, etc.
    • wasted = chi tiêu lãng phí.
      Ví dụ như nếu canh giờ rút tiền ở ATM thì sẽ không mất 110 yen phí.
  • Cuối cùng chọn Continue thì app sẽ giữ nguyên ngày và giờ cho mình, chỉ cần điền các phần còn lại rất là tiện.
Ví dụ: ghi chép chi tiêu của mình sau một buổi đi chợ.

2. Dài hạn

xác định mức chi tiêu tối thiểu

Sau khi ghi chép chi tiêu ít nhất 1 tháng, mình xác định mức chi tiêu tối thiểu bằng cách

  1. vào ứng dụng Money Manager
  2. chọn hình kính lúp ở góc trên bên phải
  3. nhập “must have”
  4. chọn hình filter ở góc trên bên phải
  5. chọn Period > Monthly

Số tiền ở phần “Expenses” sẽ là mức chi tiêu tối thiểu của mình.


Mình có 2 tài khoản ở 2 ngân hàng khác nhau:

  • tài khoản nhận lương: dùng cho Daily expenses (chi tiêu hàng tháng) = chi tiêu tối thiểu = must haves
  • tài khoản tiết kiệm: dùng cho emergency và rainy day funds

Khi đã biết ngày nhận lương, mình cài đặt tự động chuyển tiền từ tài khoản nhận lương sang tài khoản tiết kiệm.

Số tiền chuyển = Tiền lương – chi tiêu tối thiểu

Vậy là tài khoản nhận lương của mình chỉ còn vừa đủ cho chi tiêu cơ bản, muốn phung phí cũng không được. Cứ thế mình đổ đầy lần lượt emergency fund > rainy day fund > investment account.

Giao diện kết quả tìm kiếm “must have” của mình

A. EMERgency fund

Emergency fund dùng cho những chi tiêu bất ngờ, không thể nào dự đoán trước được. Ví dụ như khi mình bị trật khớp gối sẽ rút từ emergency fund ra trả tiền điều trị.

Cá nhân mình top up emergency fund một khoản tiền bằng 12 lần mức chi tiêu tối thiểu. Ví dụ như mỗi tháng mình chi tiêu tối thiểu 1,000 yên, thì emergency fund sẽ có 1,000 x 12 = 12,000 yên.

Nó sẽ đảm bảo dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, thì mình vẫn đủ tiền cho các nhu cầu cơ bản trong 1 năm cho tới khi tìm được một nguồn thu nhập mới. Điều này bao gồm thức ăn, nước uống, điện, gas, etc.

B. RAINY DAY FUND

Rainy fund dùng cho những chi tiêu có kế hoạch.

Đối với cá nhân mình, đây là tiền mua khóa học tiếng Nhật, sách, Kindle, niềng răng, etc. Mình sẽ dự trù cần bao nhiêu cho từng khoản, rồi top up dần tài khoản này cho đến khi đủ.

Ở phần này, mình chỉ có một chia sẻ là: đừng tiếc tiền đầu tư cho việc học.

Mình đã bỏ rất nhiều tiền mua khóa học tiếng Nhật của Cô Dương Hoa. Và hiện giờ mỗi ngày mình đều hưởng lãi từ khoản đầu tư này. Nó bao gồm một công việc làm thêm, tiếp thu được bài giảng trên lớp, đọc được sách bằng tiếng Nhật mà không cần chờ bản dịch, hiểu rõ quyền lợi của mình, etc.


Về phần Investment account, do mình rất thiếu kinh nghiệm mảng này nên sẽ không chia sẻ gì. Mình chỉ xin phép gợi ý là bạn nên đăng ký khóa học đầu tư của Chú Hiếu. Bản thân mình đã học xong khóa CK1 (tháng 9/2021) – khóa đầu tiên Chú mở, và thấy khóa học mang lại giá trị vượt xa số tiền mình bỏ ra.

Trước kia mình rất mù mờ về tương lai, không biết phải làm sao để xây dựng được một cuộc sống độc lập, tự do, không phải phụ thuộc người khác, đồng thời lo được cho ba mẹ. Nhưng sau khi học khóa học này, mình đã nhìn rõ con đường nên đi phía trước hơn rất nhiều.


Sau khi xây dựng được 2 lớp lá chắn (emergency và rainy day funds), mỗi tối mình ngủ ngon hơn rất nhiều. Cảm giác khi biết được là dù có chuyện gì xảy ra, mình cũng sẽ ổn thôi là một cảm giác rất tuyệt vời! Nhất là khi mình sống một mình, ở một đất nước xa lạ, xung quanh chỉ có student support office và bạn bè.

Mình hi vọng bài viết mang lại giá trị gì đó cho bạn. Nếu có thì bạn hãy cho mình biết qua comment, email tới quynh@onokuri.blog hoặc inbox vào facebook cá nhân nhen. Chúc bạn một cuộc sống độc lập – tự do – hạnh phúc!